Sự thật rùng rợn về nàng Nak trong truyền thuyết của người Thái
Có một câu chuyện truyền thuyết về hồn ma Nak khá rùng rợn, khác hẳn hình ảnh nàng ma Nak trong bộ phim đang rất nổi tiếng “Tình người duyên ma”.
Sự hâm mộ của cư dân mạng với bộ phim Thái “Tình người duyên ma” tiếp tục được thể hiện ở việc họ tiếp tục chia sẻ, sưu tầm hình ảnh, và cả nguồn gốc ra đời của bộ phim. Theo đó, bộ phim “Tình người duyên ma” là bộ phim được làm lại, lấy cảm hứng từ truyền thuyết Ma Nàng Nak quen thuộc với người Thái.
Truyện kể rằng dưới triều đại vua Rama IV (1851 – 1868), tại huyện Pra Khanong thuộc Thủ đô Bangkok có cô gái trẻ xinh đẹp tên là Nak. Về xuất thân của cô có nhiều người kể rằng là con gái của một vị trưởng xã hoặc một người nông dân bình thường. Cô cùng lớn lên và yêu một chàng trai tuấn tú tên Mak, nhưng vì Mak quá nghèo, nên người cha giàu có và đầy quyền lực của cô đã ngăn cấm hai người yêu nhau. Nhưng cuối cùng họ cũng trở thành vợ chồng.
Khi Nak có bầu, Mak bị gọi đi lính để ra chiến trường trong khi vợ anh phải sống một mình, anh bị thương nặng trong khi chiến đầu nhưng may mắn thoát chết. Trong khi Mak được chăm sóc vết thương để có thể trở lại quê nhà, Nak và đứa bé trong bụng đã chết khi cô cố gắng sinh con. Được chôn cất theo truyền thống địa phương nhưng vì tình yêu dành cho chồng, linh hồn của cô vẫn loanh quanh ở nhà, chờ đợi sự trở về của người chồng. Khi Mak trở về, anh thấy vợ và con anh đang chờ anh về. Hàng xóm và mọi người đã cố gắng cảnh báo rằng anh đang sống với một con ma và tất cả đã chết, nhưng Mak không tin và anh vẫn sống với vợ mình giống như trước đây.
Một ngày nọ, Nak đang chuẩn bị món nước chấm, bất thình lình, cô làm rơi một trái chanh (cũng có bản nói là con dao) ra ngoài hiên nhà. Trong lúc vội vã, cô đã kéo dài cánh tay của mình ra ngoài hiên để nhặt trái chanh ở dưới đất. Mak nhìn thấy cảnh tượng kỳ dị đó và cuối cùng cũng nhận ra người vợ của mình là một con ma. Quá sợ hãi, Mak cố gắng tìm mọi cách để chạy trốn mà không làm cho Nak biết.
Một buổi tối nọ, Mak nói với vợ rằng anh phải xuống nhà để đi tiểu. Thoát khỏi vợ, anh nhanh chóng chạy vào trong bóng đêm. Phát hiện chồng mình đã chạy trốn, Nak quyết định đuổi theo anh. Mak thấy vợ và cố che thân mình bằng cách núp sau một bụi Đại bi. Theo dân gian Thái, ma quỷ rất sợ chạm phải lá Đại bi.
Trong sự đau khổ, Nak nguyền rủa tất cả dân làng tại Phra Khanong, cô giận dữ vì cho rằng chính họ là nguyên nhân khiến Mak rời bỏ cô, cô đã giết bất cứ người nào ngăn cản cô và Mak. Dân làng đã rất sợ hãi và tìm kiếm nhiều vị pháp sư giúp đỡ.
Sau đó Mak tái hôn sau cái chết của Nak. Nak ghen tuông và rất tức giận, cô tìm cách phá phách cặp vợ chồng mới cưới. Mak đã chạy tới chùa Wat Mahabut, và anh được che chở bởi một nơi rất linh thiêng, ma quỷ không thể xâm phạm được. Sau đó, hồn ma của Nak bị một vị pháp sư đầy quyền năng thu phục. Ông nhốt cô vào một cái bình bằng đất nung và ném xuống một con kênh. Có nhiều lời kể khác nhau về đoạn kết của câu chuyện. Một trong số đó cho rằng một cặp vợ chồng ngư dân nọ mới chuyển đến sống ở Phra Khanong, trong lúc bắt cá họ đã tìm thấy chiếc bình và tò mò xem có gì ở trong đó. Nak được giải thoát khi họ mở nắp chiếc bình.
Tuy nhiên, Nak lại bị thu phục một lần nữa bởi nhà sư Somdej Toh, vị sư được kính trọng nhất đất nước Thái lúc bấy giờ. Để chế ngự hồn ma Nak, ông đã cắt phần trán của cô và gắn nó vào dây lưng của mình và đeo nó cho đến cuối đời. Truyền thuyết cho rằng chiếc dây thắt lưng hiện đang thuộc sở hữu của gia đình hoàng gia Thái Lan. Đô đốc Aphakonkiattiwong, hoàng tử của Chumphon, cũng xác nhận là có di vật này. Có nơi lại kể rằng, nhà sư đã khuyên giải Nak rằng trong tương lai cô sẽ được đoàn tụ với người chồng yêu quý của mình, và vì thế Nak đã tự nguyện ra đi về thế giới bên kia.