Kết nối với chúng tôi

Video Luyện thi đại học môn Hóa – Thầy VŨ KHẮC NGỌC

Video Luyện thi đại học môn Hóa – Thầy VŨ KHẮC NGỌC

video-luyen-thi-dai-hoc-mon-hoa

Bài 1: Axit nitric và muối nitrat

Axit nitric và muối nitrat là những hợp chất khá quan trọng, là một trong những hóa chất cơ bản trong công nghiệp, có nhiều ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn đời sống và sản xuất. Ngoài ra, tính chất oxi hóa và tính axit của HNO3 đều rất mạnh và rất điển hình, có khả năng phản ứng với nhiều loại đơn chất và hợp chất thường gặp. Do đó, đây là một trong những nội dung thường xuyên có mặt trong các câu hỏi và bài tập của đề thi Đại học. Trong đó, đặc biệt là các câu hỏi và bài tập liên quan tới phản ứng oxi hóa khử, sử dụng các công thức và các kết quả đặc biệt về giải toán, hệ quả của các phương pháp Bảo toàn electron, Bảo toàn điện tích và Sử dụng phương trình ion thu gọn, …

Phần 1:


Phần 2:

Bài 2: Phân bón hóa học

Phân bón hóa học là những hóa chất có chứa các nguyên tố dinh dưỡng, được bón cho cây nhằm nâng cao năng suất mùa màng.
Cây đồng hóa được C, H, O từ CO2 của không khí và từ nước trong đất, còn đối với các nguyên tố khác thì cây hấp thụ từ đất. Đất trồng trọt bị nghèo dần các nguyên tố dinh dưỡng, vì vậy cần bón phân để bổ sung cho đất những nguyên tố đó.
Có ba loại phân bón hóa học chính là : Phân đạm, phân lân, và phân kali. Ngoài ra còn một số loại phân khác là: Phân hỗn hợp, phức hợp ( NPK ) và phân vi lượng.


Bài 3: Crom và các hợp chất của crom

Crom là một trong số những kim loại thuộc nhóm kim loại chuyển tiếp, đó là các kim loại mà trong bảng tuần hoàn có electron cuối cùng điền vào phân lớp d, do vậy các kim loại này có nhiều số oxi hóa, có thể biến đổi qua nhiều hợp chất khác nhau và các tính chất biển đổi không tuần hoàn. Vì vậy trong đề thi Đại học hàng năm rất thích khai thác các kim loại chuyển tiếp này về mặt tính chất hóa học cũng như về sự biến đổi qua các hợp chất.
Crom là một kim loại cứng, mặt bóng, màu xám thép với độ bóng cao và nhiệt độ nóng chảy cao. Nó là chất không mùi, không vị và dễ rèn. Các trạng thái oxi hóa phổ biến của crom là +2, +3 và +6, với +3 là ổn định nhất. Các trạng thái +1, +4 và +5 là khá hiếm. Các hợp chất của crom với trạng thái oxi hóa +6 là những chất có tính oxi hóa mạnh.


Bài 4: Luyện tập phương pháp bảo toàn điện toàn điện tích

Bảo toàn điện tích là phương pháp giải toán dựa vào mối liên hệ về số mol của các điện tích dương và điện tích âm trong một dung dịch hoặc hợp chất, từ đó, ta có thể tìm được số mol của các chất mang điện tích đó.
Phương pháp này thường được áp dụng cho các phản ứng xảy ra trong dung dịch nên nếu không hiểu rõ, các em dễ nhầm lẫn với phương pháp sử dụng phương trình ion thu gọn. Tuy nhiên, thực tế là bảo toàn điện tích có những đặc điểm riêng rất khác biệt, những thế mạnh riêng mà nếu sử dụng đúng cách, ta sẽ thu được hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với phương pháp sử dụng phương trình ion thu gọn.


Bài 5:
Bài 6: Phản ứng gồm toàn chất khí

Trong chương trình phổ thông, chúng ta đã được làm quen với hàng trăm phản ứng Hóa học khác nhau, cả vô cơ và hữu cơ. Mỗi phản ứng biểu diễn sự biến đổi Hóa học của các chất khác nhau nhưng có thể hàm chứa một số mối quan hệ phổ biến, thường được khai thác trong đề thi Đại học. Việc sử dụng các mối quan hệ phổ biến đó để phân loại các phản ứng Hóa học cho ta nhiều kết quả thú vị, trong đó, có cả những phản ứng tưởng chừng như không có bất cứ mối liên hệ nào với nhau lại có thể xếp chung một nhóm.
Ở một số bài giảng khác, ta đã biết tới “các phản ứng chuyển hóa nhóm chức”, “phản ứng thế hiđro linh động”, “phản ứng thủy phân hợp chất hữu cơ”, …. Ở bài học này, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về “phản ứng gồm toàn chất khí” với những mối quan hệ đặc biệt, các phương pháp và công thức giải toán cực nhanh liên quan tới các phản ứng này.
Bài giảng sẽ giúp các em hiểu rõ khái niệm về các phản ứng gồm toàn chất khí, vai trò, tầm quan trọng và tính phổ biến của các phản ứng này trong đề thi Đại học. Từ các đặc điểm, các mối quan hệ đặc biệt của phản ứng, thầy sẽ dẫn dắt các em tới các phương pháp, các công thức tính nhanh để trả lời các câu hỏi và bài tập liên quan.


Bài 7: So sánh nhiệt độ sôi và tính chất axit – bazơ

So sánh độ mạnh – yếu và sắp xếp chiều biến thiên tính chất là một trong những yêu cầu quan trọng về bài tập dạng lý thuyết hóa học trong đề thi Đại học. Đối với các chất hữu cơ, 2 nhóm tính chất quan trọng nhất thường được đề cập đến là nhiệt độ sôi và tính axit – bazơ. Để làm được dạng bài này, yêu cầu chung là các em phải nắm vững được đặc điểm cấu tạo của các nhóm hợp chất hữu cơ, từ đó, có sự phân tích, lý giải, so sánh để sắp xếp được chính xác sự biến thiên tính chất của các hợp chất khác nhau.
Tuy nhiên, chúng ta có thể rút ngắn quá trình ôn tập đó bằng cách tổng kết lại một số nguyên tắc, quy luật chung nhất về sự biến thiên các tính chất này và một số dãy sắp xếp điển hình.
Bài giảng sẽ giúp các em hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng tới nhiệt độ sôi và tính axit – bazơ của các hợp chất hữu cơ và tổng kết một số kết quả quan trọng để các em tiện vận dụng trong các đề thi đại học.


Bài 8: Bảo toàn nguyên tố trong các bài toán hữu cơ

Bảo toàn nguyên tố là một mối quan hệ cơ bản và phổ biến trong hóa học, phản ánh mối quan hệ về số mol giữa các chất trong phản ứng. Do tính chất phổ biến của mối quan hệ này mà các bài tập liên quan tới phương pháp bảo toàn nguyên tố luôn chiếm 1 tỷ lệ đáng kể trong đề thi Đại học. Định luật bảo toàn nguyên tố đúng cho mọi phản ứng và quá trình hóa học những với mỗi loại phản ứng lại có những dấu hiệu nhận biết riêng và phương pháp xử lý số liệu riêng. Trong hóa hữu cơ, các nội dung đó càng đặc trưng rõ ràng hơn với 2 nhóm phản ứng điển hình là phản ứng đốt cháy hợp chất hữu cơ và các chuỗi phản ứng chuyển hóa nhóm chức. Thầy sẽ giúp các em lần lượt phân tích các đặc điểm của 2 nhóm phản ứng này trong bài giảng hôm nay.
Bài giảng sẽ giúp các em làm chủ một trong những phương pháp giải toán đặc biệt quan trọng trong hóa hữu cơ, phân tích nguyên tắc, các trường hợp áp dụng với những dấu hiệu nhận biết rõ ràng và các bước giải cụ thể.


Bài 9: Amin

Amin là nhóm hợp chất hữu cơ được tạo thành khi thay thế các nguyên tử H trong phân tử NH3 bằng các gốc Hiđrocacbon. Do nguồn gốc cấu tạo như vậy mà amin cũng có tính chất bazơ tương tự như NH3, thậm chí, ở một số amin no mạch C ngắn còn có cả những tính chất đặc biệt của NH3 như: là khí có mùi khai, tạo khói trắng với HCl đặc, …
Tuy nhiên, với đặc điểm là hợp chất hữu cơ, các tính chất của amin không chỉ đơn giản là tính chất bazơ hay tính khử của nhóm chức như NH3 mà các tính chất đó còn biến thiên do tương tác với gốc hiđrocacbon (ảnh hưởng tới độ mạnh của tính bazơ) và có thêm một số tính chất mới do gốc hiđrocacbon gây ra (phản ứng thế trên nhân thơm của anilin). Bản thân nhóm chức amin cũng có những phản ứng đặc trưng riêng khác với NH3 (phản ứng với HNO2 của amin bậc I), thành phần nguyên tố, KLPT cũng có những điểm có thể dùng để phân biệt được (đốt cháy giải phóng CO2, nặng hơn không khí, gồm 3 loại nguyên tố, …).
Ngoài ra, so với các hợp chất hữu cơ đã học trước đó (chứa các nguyên tố C, H, O), amin cũng có sự khác biệt đáng kể do có sự xuất hiện của nguyên tử N với hóa trị lẻ, khiến cho các kết quả liên quan tới độ bất bão hòa (k) như: số nguyên tử H, hệ số trong phản ứng đốt cháy và các công thức liên hệ, … bị thay đổi, cách tính bậc của amin cũng khá đặc biệt so với cách tính bậc của C và bậc của ancol.
Sự kết hợp của các yếu tố đó khiến cho các câu hỏi, bài tập có liên quan tới amin luôn xuất hiện với tỷ lệ cao trong đề thi ĐH và nhìn chung đều ở mức khó. Bài học hôm nay vừa là sự ôn tập, tổng kết lại những tính chất vật lý, hóa học của các amin vừa cung cấp cho các em những phương pháp hiệu quả nhất để giải quyết những khó khăn đó.
Qua bài giảng, thầy sẽ giúp các em phân tích cấu tạo của amin, từ đó lý giải các đặc điểm về tính chất vật lý, tính bazơ và các yếu tố ảnh hưởng tới tính bazơ, …. Ngoài ra, bài giảng cũng nhấn mạnh tới các tính chất riêng, đặc biệt của amin cũng như các phương pháp tư duy giải toán phù hợp nhất cho từng dạng bài đặc trưng của amin.

Phần 1:

Phần 2:


Bài 10: Bài toán đốt cháy các hợp chất hữu cơ

Đốt cháy hợp chất hữu cơ là phản ứng cơ bản nhất trong phân tích nguyên tố nhằm xác định CTPT của hợp chất hữu cơ đó. Bản chất của phản ứng rất đơn giản, đó là phản ứng oxh hoàn toàn các nguyên tố trong hợp chất hữu cơ bằng tác nhân oxi hóa là O2.
Tuy nhiên, do sự đa dạng về thành phần nguyên tố, về tính chất hóa học của các chất hữu cơ bị đốt cháy và cả sự đa dạng trong phương pháp định lượng các sản phẩm sau phản ứng mà bài toán đốt cháy hợp chất hữu cơ cũng có rất nhiều cách biến đổi rất khác nhau. Người ra đề có thể thay đổi các dữ kiện để tạo nên các dạng bài tập khác nhau, khai thác nhiều phương pháp giải toán từ đơn giản đến phức tạp như: biến đổi đại số, trung bình, bảo toàn nguyên tố, bảo toàn khối lượng, …
Việc xác định CTPT của hợp chất hữu cơ là bước đi cơ bản đầu tiên trong chuỗi các yêu cầu giải toán của 1 bài tập hữu cơ (xác định CTPT – biện luận CTCT – xác định số đồng phân/gọi tên). Do đó, trong đề thi Đại học, số lượng các bài tập liên quan đến phản ứng đốt cháy chất hữu cơ luôn chiếm tỷ lệ áp đảo, nói cách khác, để có được kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh ĐH môn Hóa, nhất thiết phải nắm vững các phương pháp giải và giải nhanh các dạng bài tập liên quan tới phản ứng này. Bài giảng này của thầy sẽ giúp các em giải quyết được phần nào những yêu cầu đó.
Trong bài giảng thầy sẽ phân tích một số đặc điểm của phản ứng đốt cháy, những yếu tố có thể dùng để khai thác trong các bài tập của đề thi Đại học. Trên cơ sở đó, thầy tiếp tục phân loại bài toán đốt cháy hợp chất hữu cơ thành một số dạng bài tập điển hình với những dấu hiệu nhận biết rõ ràng và phương pháp giải phù hợp nhất. Qua bài giảng, các em có thể làm chủ hoàn toàn các bài toán có liên quan trong đề thi tuyển sinh Đại học.

Phần 1:


Phần 2:

Phần 3:

Bài 11: Axit cacboxylic

Axit cacboxylic có thể xem là “chặng cuối” của chuỗi phản ứng oxi hóa – khử nhằm chuyển hóa nhóm chức từ ancol – anđehit – axit cacboxylic. Tính axit của chúng khá điển hình và giống với các axit vô cơ khác (có đầy đủ 5 tính chất cơ bản của axit). Tuy nhiên, với đặc điểm là hợp chất hữu cơ, tính chất đó còn biến thiên do tương tác với gốc hiđrocacbon (ảnh hưởng tới độ mạnh của tính axit) và có thêm các tính chất do gốc hiđrocacbon gây ra. Đặc biệt, nguyên tử Cacbon trong nhóm –COOH không còn Hiđro nên các axit cacboxylic khá bền với các tác nhân oxi hóa và phản ứng ở gốc có thể bao gồm cả phản ứng cộng, phản ứng thế và phản ứng tách.
Một số vấn đề đáng chú ý khác của axit cacboxylic như: liên kết hiđro, bài tập về hằng số axit (Ka), phản ứng este hóa, phản ứng tạo anhiđrit axit, … đều là những vấn đề khá đặc biệt và khá khó.
Tất các những vấn đề đó cùng các câu hỏi và bài tập có liên quan tới axit cacboxylic thường gặp trong đề thi Đại học sẽ được phân tích trong bài học này.
Bài giảng sẽ phân tích các đặc điểm về cấu tạo và tính chất của axit cacboxylic, từ đó chỉ ra các yếu tố thường được khai thác trong đề thi Đại học và giúp các em hoàn toàn làm chủ phương pháp giải quyết các câu hỏi và bài tập có liên quan.

Phần 1:


Phần 2:

Bài 12: Ancol – Phenol

Ancol là nhóm hợp chất hữu cơ chứa Oxi đầu tiên được xét đến trong chương trình, có thể xem là một “gạch nối” quan trọng từ Hiđrocacbon và các dẫn xuất Halogen tới các hợp chất có nhóm chức khác. Sự chuyển hóa qua lại ấy liên quan tới các quy tắc cộng Maccopnhicop, quy tắc tách Zaixep, các phương pháp điều chế, các mối quan hệ về khối lượng, bảo toàn nguyên tố … được khai thác rất nhiều trong các câu hỏi và bài tập về ancol. Ngoài ra, cấu tạo của ancol cũng tạo ra nhiều trung tâm phản ứng, dẫn tới sự đa dạng về tính chất cả vật lý và Hóa học, trong đó có những tính chất rất riêng và rất quan trọng (bậc của ancol, sự chuyển hóa của ancol không bền, các trường hợp oxi hóa ancol, phản ứng riêng của ancol đa chức có nhiều nhóm –OH kề nhau, …).
Cũng có cấu tạo tương tự như ancol nhưng nhóm chức –OH ở phenol còn chịu tác động hút electron từ nhân thơm nên có sự biến đổi ở nhiều tính chất (tác dụng được với kiềm nhưng không tạo được ete và este theo cách của ancol, …), mặt khác, nhóm –OH cũng tác động trở lại nhân thơm, làm hoạt hóa nhân và định hướng cho phản ứng thế.
Việc nắm vững các tính chất vừa đa dạng, vừa đặc trưng, riêng biệt này của ancol – phenol là một điều kiện quan trọng để các em có được kết quả thuận lợi trong các kỳ thi sắp tới và là cơ sở để học tốt các nhóm hợp chất hữu cơ có nhóm chức khác sau này.
Bài giảng phân tích chi tiết các kiến thức lý thuyết và phân loại những dạng bài tập đặc trưng về ancol – phenol thường xuất hiện trong đề thi Đại học để từ đó xây dựng các phương pháp tư duy giải toán sao cho phù hợp nhất.

Phần 1:

Phần 2:

Phần 3:

Bài 13: Anđehit – Xeton

Anđehit được xem là nhóm hợp chất trung gian trong chuỗi phản ứng oxi hóa – khử nhằm chuyển hóa nhóm chức từ ancol – anđehit – axit cacboxylic. Do tính chất trung gian đó mà anđehit vừa có tính oxi hóa, vừa tính khử trong đó có khá nhiều phản ứng đặc trưng và đặc biệt được khai thác rất nhiều trong các câu hỏi, bài tập hữu cơ (phản ứng cộng HCN, H2, phản ứng tráng gương, phản ứng làm mất màu dung dịch Br2, …). Các câu hỏi và bài tập về anđehit vì thế mà cũng rất đa dạng, có thể là bài tập xác định CTPT, biện luận CTCT của gốc và nhóm chức, đếm và tính số đồng phân, bài tập nhận biết, Còn đối với xeton, đây cũng là nhóm hợp chất hữu cơ khá đặc biệt. Tuy có C ở nhóm chức cũng có cùng số oxi hóa như C trong nhóm chức của anđehit nhưng do không còn H nên thực tế xeton rất khó bị oxh (chỉ trong những điều kiện khá khắc nghiệt, khi đó mạch C sẽ bị cắt đứt) và không có các phản ứng tráng gương, làm mất màu dung dịch Br2 như anđehit. Bù lại, sự bền vững với tác nhân oxi hóa của xeton lại giúp nó có thể tham gia phản ứng thế trong những điều kiện khá đặc biệt. Ngoài ra, xeton cũng có một số tính chất tương tự anđehit. Sự đa dạng và tính chất đặc biệt trong các phản ứng của xeton cũng gây ra khá nhiều khó khăn cho các bạn thí sinh khi làm đề thi ĐH.
Bài giảng này sẽ giúp các em hệ thống hóa lại các kiến thức về anđehit – xeton và mở rộng ra các dạng câu hỏi và bài tập liên quan để giải quyết tốt hơn những khó khăn đó.

Phần 1:


Phần 2:

Bài 14: Đại cương về hóa học hữu cơ

Hóa học có một đặc thù riêng là các nội dung kiến thức không tách rời mà có mối liên quan rất chặt chẽ với nhau. Trong đó, có những phần kiến thức hết sức quan trọng được gọi là kiến thức đại cương, cung cấp những nền tảng cơ bản giúp ích cho việc học tập và nắm vững các phần kiến thức sau đó. Trong hóa vô cơ, các kiến thức đại cương đó bao gồm: cấu tạo nguyên tử, bảng hệ thống tuần hoàn, liên kết hóa học, lý thuyết về các loại phản ứng hóa học, sự điện ly, … Còn trong hóa hữu cơ, ta cũng có những kiến thức đại cương như vậy, bao gồm: các loại công thức biểu diễn phân tử hợp chất hữu cơ, các loại danh pháp, các phương pháp chung để xác định CTPT, CTCT của chất hữu cơ, các vấn đề về đồng đẳng và đồng phân, … mà dù nghiên cứu bất cứu nhóm hợp chất hữu cơ nào ta cũng đều cần biết và cần dùng đến.
Việc nắm vững các kiến thức đại cương này trong hóa hữu cơ càng đặc biệt quan trọng, do cấu trúc chung của bài toán hữu cơ điển hình là khá phổ biến, hầu hết các bài tập đều bao gồm các bước: xác định CTPT – biện luận CTCT – xác định số đồng phân hoặc gọi tên. Do đó, nắm vững được các kiến thức đại cương về hợp chất hữu cơ là các em coi như đã nắm bắt được phương pháp giải quyết hầu hết các bài tập hữu cơ nói chung.
Bài giảng này sẽ giới thiệu với các em một cách khái quát nhất toàn bộ các kiến thức đại cương về hợp chất hữu cơ theo đúng các tiến trình đó và bước đầu phân tích các phương pháp vận dụng những kiến thức này vào việc giải quyết các câu hỏi, bài tập trong đề thi ĐH.

Phần 1:


Phần 2:

Bài 15: Phản ứng thế hiđro linh động
Hiđro linh động là nguyên tử Hiđro có khả năng bị thay thế bởi ion kim loại. Đây là nguyên tử đặc biệt, có thể bắt gặp trong nhiều loại hợp chất hữu cơ vốn có tính chất Hóa học rất khác nhau, từ ank-1-in, ancol/phenol, tới axit cacboxylic, … và cả trong các axit vô cơ.
Sự có mặt của nguyên tử Hiđro linh động cùng phản ứng thế của nó có nhiều nét đặc trưng mang lại những điểm chung hiếm hoi trong bài tập liên quan tới các hợp chất này. Những điểm đặc trưng đó bao gồm: quan hệ về mặt khối lượng trong các bài toán sử dụng phương pháp Bảo toàn hoặc tăng giảm khối lượng, tính chất định lượng nhóm chức trong các bài toán biện luận CTCT, … đều là những yêu cầu quan trọng trong đề thi Đại học.
Bài giảng sẽ phân tích những điểm đặc trưng của phản ứng thế Hiđro linh động trong các trường hợp khác nhau, các yêu cầu đặc trưng, các mối quan hệ đặc trưng và các phương pháp chung để giải quyết các dạng bài tập có liên quan.


Bài 16: Phương pháp trung bình

Phương pháp trung bình là một trong những phương pháp giải toán quan trọng và phổ biến nhất trong đề thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng. Việc làm chủ phương pháp trung bình không chỉ giúp các em làm đúng mà còn làm nhanh nhất các bài tập có liên quan trong đề thi, điều này càng có ý nghĩa trong điều kiện thi trắc nghiệm như hiện nay.
Bài giảng sẽ đi sâu vào phân tích đặc điểm của các khái niệm, tính chất và công thức có liên quan tới giá trị trung bình. Từ đó, giúp các em hiểu rõ cơ sở giải toán dựa trên giá trị trung bình. Đặc biệt, trong bài giảng thầy cũng chỉ rõ các dấu hiệu giải toán quan trọng để các em có thể xác định được hướng giải cho bài toán ngay khi đọc xong đề bài.

Phần 1:


Phần 2:

Bài 17: Các phản ứng chuyển hóa nhóm chức

Nhóm chức là nguyên tử hoặc nhóm nguyên tử gây ra những phản ứng đặc trưng cho phân tử hợp chất hữu cơ, mỗi loại nhóm chức tạo ra những tính chất hóa học riêng và đặc trưng cho một loại hợp chất hữu cơ riêng.
Bên cạnh việc khảo sát tính chất riêng của từng nhóm hợp chất, việc liên hệ, xâu chuỗi các tính chất và sự chuyển hóa qua lại giữa chúng cũng là một nội dung quan trọng trong chương trình Hóa học. Sự chuyển hóa này thường được biểu diễn qua các phản ứng hoặc chuỗi phản ứng điều chế các hợp chất hữu cơ, có thể tạm gọi là các phản ứng chuyển hóa nhóm chức bởi chúng chủ yếu làm thay đổi phần nhóm chức của các hợp chất chứ hầu như không tác động tác động tới các gốc hiđrocacbon còn lại trong phân tử.
Ngoài ý nghĩa về mặt lý thuyết, các phản ứng và chuỗi phản ứng chuyển hóa nhóm chức cũng chứa đựng những quan hệ đặc biệt trong Hóa học, có thể khai thác dưới dạng bài tập sử dụng nhiều phương pháp giải nhanh khác nhau. Do đó, các câu hỏi và bài tập loại này cũng thường xuyên góp mặt trong các đề thi Đại học – Cao đẳng.
Bài giảng này giúp các em hiểu rõ khái niệm về “các phản ứng chuyển hóa nhóm chức”, nắm được những đặc điểm chung và những mối quan hệ về khối lượng, về nguyên tố, … trong các phản ứng này. Đặc biệt, bài giảng cũng giúp các em củng cố lại những kỹ năng giải nhanh bài toán Hóa học bằng các phương pháp Tăng – giảm khối lượng, Bảo toàn khối lượng, Bảo toàn nguyên tố, … ở những một số dạng bài tương đối hay và khó liên quan trực tiếp tới các phản ứng chuyển hóa nhóm chức.


Bài 18: Phương pháp đếm và tính nhanh số đồng phân

Xác định số đồng phân là yêu cầu đặc biệt quan trọng, là vấn đề cần giải quyết sau cùng trong trình tự của một bài tập hữu cơ điển hình: xác định CTPT – biện luận CTCT – xác định số đồng phân. Làm sai ở bước cuối cùng này có thể biến những nỗ lực giải toán và biện luận trước đó của các em trở thành vô nghĩa.
Đây một dạng bài không hoàn toàn mới nhưng là một điển hình về sự khác nhau giữa hình thức thi trắc nghiệm và tự luận. Yêu cầu của thi trắc nghiệm đòi hỏi phải giải quyết được vấn đề thật nhanh và chính xác (không thừa, không thiếu), hơn thế nữa, các đáp án nhiễu trong câu hỏi về xác định số đồng phân thuộc loại rất khó bị loại bỏ theo các cách suy luận thông thường. Do đó, để làm tốt các yêu cầu này, buộc các em phải có được các phương pháp đúng đắn, khoa học và hệ thống để đảm bảo tính chính xác trong việc xác định nhanh số đồng phân.
Bài giảng sẽ nhắc lại các kiến thức cơ sở về đồng phân, độ bất bão hòa, quy tắc cộng và quy tắc nhân trong toán tổ hợp, … từ đó xây dựng thành một quy trình để thực hiện các bước đếm và các phương pháp phân tích cấu tạo để tính nhanh số đồng phân.

Phần 1:


Phần 2:

Phần 3

Bài 19: Phản ứng axit – bazơ của amin – aminoaxit

Amin và amino axit là các nhóm hợp chất hữu cơ đặc biệt được lưu ý trong đề thi Đại học những năm gần đây, do nhiều tính chất riêng của các hợp chất này được đưa vào chương trình SGK phân ban mới. Tuy nhiên, bên cạnh các phản ứng đặc biệt, tính chất cơ bản của amin, amino axit và các dẫn xuất của chúng liên quan chặt chẽ với các phản ứng axit – bazơ vẫn là yếu tố được khai thác nhiều nhất trong đề thi.
Sự thay đổi thành phần cấu tạo của các chất trong các phản ứng này gắn liền với các mối quan hệ về khối lượng, thường được giải quyết bằng phương pháp Bảo toàn khối lượng hoặc Tăng – giảm khối lượng. Tính chất định lượng nhóm chức của các phản ứng này cũng là cơ sở để biện luận CTCT của các hợp chất này. Ngoài ra, các quy luật biến thiên tính chất axit, bazơ của chúng cũng là các chi tiết cần được chú ý để giải quyết tốt các câu hỏi lý thuyết.
Bài giảng sẽ phân tích đặc điểm của các phản với axit – bazơ của amin/amino axit, chỉ ra các mối quan hệ về khối lượng, sự biến thiên về tính chất, … , các dạng lý thuyết và bài tập đặc trưng, cùng với cách giải quyết chúng sao cho nhanh và hiệu quả nhất.


Bài 20: Độ bất bão hòa và ứng dụng

Độ bất bão hòa (Degree of Unsaturation) còn được gọi là “chỉ số thiếu hụt Hiđro” (index of hydrogen deficiency) hoặc “chỉ số vòng cộng liên kết đôi” (index of rings plus double bonds) là một đại lượng đặc biệt trong Hóa học, đặc trưng cho mức độ chưa no của một hợp chất hữu cơ.
Để tính độ bất bão hòa, ta có thể sử dụng các công thức tính riêng dựa vào CTPT hoặc CTCT mà mỗi công thức và tính chất của chúng đều có ý nghĩa riêng trong việc giải quyết các vấn đề về lý thuyết và bài tập hóa học hữu cơ. Các ứng dụng đó rất đa dạng và bao trùm hầu hết các yêu cầu điển hình của hóa học hữu cơ, từ xác định CTPT, biện luận CTCT, xác định số đồng phân, … tới các kỹ thuật trong giải toán như Phân tích hệ số trong phản ứng đốt cháy hay Sử dụng giá trị k trung bình, …
Bài giảng sẽ cung cấp cho các em các lý thuyết cơ sở về độ bất bão hòa, phân tích các đặc điểm và tính chất được khai thác, ứng dụng trong việc giải quyết các vấn đề lý thuyết và bài tập ở từng dạng bài cụ thể.


Bài 21: Biện luận công thức cấu tạo của hợp chất hữu cơ

Hợp chất hữu cơ nói chung được cấu tạo từ 2 thành phần chính là gốc hiđrocacbon và nhóm chức. Các tính chất (vật lý và hóa học) của hợp chất hữu cơ là do tính chất riêng của 2 thành phần này hoặc do tương tác giữa chúng gây ra, việc phân tích, dự đoán các tính chất của một hợp chất hữu cơ chủ yếu dựa vào cấu tạo của chúng.
Do đó, biện luận CTCT là một yêu cầu rất đặc trưng trong các bài tập hóa hữu cơ (tiến trình của 1 bài tập hữu cơ điển hình là: xác định CTPT – biện luận CTCT – gọi tên/xác định số đồng phân). Tùy vào mục tiêu yêu cầu cụ thể của đề thi mà người ra đề có thể cho sẵn CTPT của chất hữu cơ cần xác định cấu tạo hoặc kết hợp cả 2 yêu cầu xác định CTPT và biện luận CTCT, thậm chí kết hợp thêm cả việc gọi tên hoặc xác định số đồng phân. Trong trường hợp có yêu cầu mang tính kết hợp thì vai trò của việc biện luận CTCT càng trở nên đặc biệt quan trọng, bởi nếu biện luận CTCT sai thì cho dù có xác định đúng CTPT cũng sẽ vô nghĩa và tốn thời gian, việc gọi tên hay xác định số đồng phân thì cũng không thể đúng được.
Để làm tốt được các bài tập biện luận CTCT đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ khả năng quan sát và nhận xét tinh tế, tới việc phải nắm chắc các tính chất hóa học riêng của tất cả nhóm hợp chất, các tính chất đặc biệt, … và khả năng bao quát, tổng hợp các tính chất đó.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố riêng biệt đó, các bài tập biện luận CTCT cũng có những đặc trưng phổ biến mà đề thi thường xuyên khai thác. Những đặc trưng đó sẽ được thầy phân tích chi tiết trong bài giảng này.

Phần 1


Phần 2

Bài 22: Aminoaxit

Amino axit là nhóm hợp chất hữu cơ tạp chức, trong phân tử vừa có nhóm chức amino, vừa có nhóm chức cacboxyl. Do cấu tạo đặc biệt như vậy nên amino axit vừa có một số tính chất của từng loại nhóm chức (tính axit – bazơ, phản ứng với HNO2, phản ứng este hóa với ancol, …) vừa có thêm các tính chất mới do sự tương tác giữa 2 loại nhóm chức với nhau (tạo muối nội phân tử, phản ứng trùng ngưng, …). Sự đa dạng về tính chất hóa học này cùng với sự xuất hiện của nguyên tử Nitơ trong CTPT khiến cho các câu hỏi và bài tập về amino axit cũng đa dạng và tương đối khó (làm thay đổi tỷ lệ và các kết quả giải toán trong phản ứng đốt cháy).
Sự đặc biệt của amino axit còn nằm ở chỗ, chúng là các nguyên liệu tổng hợp nên peptit và protein – những vật chất quan trọng nhất của sự sống, do đó, trong các đề thi tuyển sinh ĐH, câu hỏi và bài tập về amino axit luôn chiếm một tỷ lệ đáng kể, đặc biệt là đề thi khối B.
Tất cả những yếu tố đó khiến cho việc học tập và nắm vững các kiến thức, các phương pháp giải bài tập về amino axit trở nên quan trọng và cần thiết.
Bài giảng sẽ phân tích cấu tạo của amino axit, từ đó lý giải các đặc điểm về tính chất vật lý, hóa học và những yếu tố thường được khai thác trong đề thi tuyển sinh ĐH. Ngoài ra, qua bài giảng, thầy cũng giúp các em phân loại những dạng bài tập đặc trưng về amino axit để từ đó xây dựng các phương pháp tư duy giải toán sao cho phù hợp nhất.


Bài 23: Cacbohidrat

Cacbohiđrat là một nội dung quan trọng trong số các câu hỏi và bài tập của đề thi Đại học.
Đây là nhóm hợp chất có cấu tạo đa dạng và phức tạp: là hợp chất hữu cơ tạp chức, trong phân tử vừa có nhóm chức hiđroxy (-OH), vừa có nhóm chức cacbonyl (>C=O); có thể là đơn phân, có thể là đa phân; vừa có dạng mạch vòng, vừa có dạng mạch hở, … trong trường hợp đa phân, các vị trí liên kết glicozit cũng rất khác nhau.
Tính chất của các cacbohidrat cũng rất đa dạng, do sự đa dạng về thành phần và số lượng nhóm chức, cùng với sự tương tác khác nhau giữa các nhóm chức trong cùng phân tử gây ra. Đây là những kiến thức thường được đưa vào các câu hỏi lý thuyết của đề thi.
Ngoài ra, nguồn gốc tự nhiên, các quá trình chuyển hóa và đặc biệt là các ứng dụng của cacbohiđrat cũng là những điểm đáng lưu ý. Bài tập về các phản ứng điều chế các sản phẩm từ cacbohiđrat kèm theo hiệu suất gần như xuất hiện thường niên trong đề thi Đại học.
Bài học hôm nay sẽ giúp các em hệ thống lại các kiến thức liên quan tới cacbohiđrat, các vùng lý thuyết quan trọng và những dạng bài tập điển hình cùng phương pháp giải nhanh và hiệu quả nhất.

Phần 1:


Phần 2:

Bài 24: Peptit-protein

Peptit và protein là những đại phân tử hữu cơ có vai trò đặc biệt quan trọng của cơ thể sống, thực hiện rất nhiều chức năng sinh học từ cấu tạo, dinh dưỡng tới vận động, xúc tác, …. Cùng với ADN, protein là cơ sở, là nguồn gốc của sự sống mà như Friedrich Engels – một trong 2 nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học đã từng nói thì “nơi nào có sự sống, nơi đó có mặt của protein”.
Chính vì tầm quan trọng đặc biệt về chức năng sinh học đó của protein mà đề thi Đại học, nhất là đề thi khối B luôn dành một lượng câu hỏi nhất định cho chủ đề này. Kiến thức về peptit – protein rất phong phú, đa dạng và đã được khảo sát khá kỹ lưỡng trong chương trình Sinh học. Tuy nhiên, khi học Hóa học, chúng ta lại có những góc nhìn riêng, những mối quan tâm riêng về những quan hệ rất khác với trong Sinh học. Sự khác biệt đó chính là những khó khăn lớn của các em học sinh khi nghiên cứu các nội dung này. Bài học ngày hôm nay sẽ giúp các em giải quyết phần nào những khó khăn đó, đặc biệt là những dạng bài mới trong chương trình SGK phân ban để các em hoàn toàn chủ động trong việc giải quyết các vấn đề của đề thi Đại học.
Bài giảng sẽ tổng kết lại các kiến thức liên quan tới đặc điểm cấu tạo và các tính chất của peptit – protein, có so sánh với các nhóm hợp chất hữu cơ trước đó. Đồng thời, thông qua bài giảng các em cũng sẽ được làm quen và bước đầu làm chủ những dạng bài đặc biệt, hay và khó có nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong đề thi Đại học.


Bài 25: Phương pháp bảo toàn khối lượng trong hóa hữu cơ

Bảo toàn khối lượng là một mối quan hệ cơ bản và phổ biến trong hóa học, phản ánh các mối liên hệ về mặt khối lượng giữa các chất trong phản ứng. Định luật bảo toàn khối lượng đúng cho mọi phản ứng và quá trình hóa học. Tuy nhiên, trong thực tế giải toán, chỉ có một số phản ứng đặc trưng thường xuyên được đưa vào các bài tập áp dụng phương pháp bảo toàn khối lượng. Đối với các bài tập hóa hữu cơ, các phản ứng chủ yếu đó là: phản ứng đốt cháy, phản ứng thế Hiđro linh động, các phản ứng tổng hợp/thủy phân, phản ứng gồm toàn chất khí, … Với mỗi loại phản ứng lại có những dấu hiệu riêng để nhận biết và những đặc điểm riêng trong cách xử lý số liệu.
Trong bài giảng này, thầy sẽ lần lượt phân tích để giúp các em nắm được các dấu hiệu và đặc điểm của từng loại phản ứng đó.
Bài giảng sẽ giúp các em làm chủ một trong những phương pháp giải toán đặc biệt quan trọng trong hóa hữu cơ, phân tích nguyên tắc, các trường hợp áp dụng với những dấu hiệu nhận biết rõ ràng và các bước giải cụ thể.

Phần 1:


Phần 2:

MỘT SỐ KINH NGHIỆM ÔN THI VÀ LÀM BÀI THI TRẮC NGHIỆM

 

5/5 - (2 bình chọn)

Các bình luận

1 bình luận

1 bình luận

  1. Pingback: Video học trực tuyến Khóa học luyện thi đại học môn Toán, Lí, Hóa | Kênh 76 Plus

Gửi bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng chuyên mục Tuyển sinh

Lên trên