Kết nối với chúng tôi

Một ngày ở làng muối Sa Huỳnh

Một ngày ở làng muối Sa Huỳnh

Một ngày ở Sa Huỳnh, được cùng diêm dân ra đồng làm muối mới thấy được làng nghề này còn báo điều thú vị đến không ngờ.

Toàn cảnh đồng muối Sa Huỳnh – Quảng Ngãi
Toàn cảnh đồng muối Sa Huỳnh – Quảng Ngãi
Cuối tháng 3, tiết trời Quảng Ngãi dịu mát. Bỏ bao công việc xô bồ, chúng tôi đến với làng muối Sa Huỳnh (thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) khi những diêm dân nơi đây đang tất bật cho vụ mùa sản xuất mới. Một ngày ở Sa Huỳnh, được cùng diêm dân ra đồng làm muối mới thấy được làng nghề này còn báo điều thú vị đến không ngờ.

Nằm cách thành phố Quảng Ngãi 60km, Sa Huỳnh không chỉ là địa danh nổi tiếng trong nước và ngoài nước với di chỉ khảo cổ học được phát hiện từ năm 1909, mà đây còn là vựa muối lớn của miền Trung. Từ thế kỉ 19, cánh đồng muối Sa Huỳnh đã được hình thành và được người dân duy trì nghề truyền thống này suốt 200 năm nay.

Đến Sa Huỳnh, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp đó là những diêm dân vùng chiêm trũng này đang khom lưng cho công việc làm đồng muối mới. Theo ông Lê Bé (42 tuổi, ngụ thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ), bắt đầu từ vụ màu muối năm nay, diêm dân làng muối Sa Huỳnh đã mạnh dạn đầu tư hàng tỉ đồng để ứng dụng mô hình sản xuất mới. “Bây giờ, diêm dân không phải làm muối bằng phương pháp truyền thống dùng nền đất nữa, mà thay vào đó là mua bạt lót, xây ruộng bằng xi măng,.. nhằm tăng năng suất và chất lượng muối” – ông Bé cho biết.

Cũng theo ông Bé, trước đây nghề làm muối ở Sa Huỳnh có nhiều thăng trầm với nhiều lý do khác nhau. Bởi vậy mà có một dạo làng muối Sa Huỳnh được ví von là “làng muối đắng”, bởi công sức mà diêm dân bỏ ra cho đồng muối trở nên uổng phí. Hơn nữa, trước đây ruộng muối của diêm dân chưa được cấp Chứng nhận quyền sử dụng đất nên rất nhiều diêm dân không đủ mạnh dạn để đầu tư phát triển đúng hướng. Mặt khác, do giá thành muối không ổn định, trong khi thị trường muối Sa Huỳnh vẫn chưa có thương hiệu nên gây không ít khó khăn cho diêm dân.

Ông Lê Bé đang cần mẫn tát nước khỏi đồng muối

Còn nhớ, gần 7 năm trước diêm dân Sa Huỳnh đã “dở khóc, dở cười” khi chứng kiến hàng chục tấn muối không được “nhập kho” vào nhà máy sản xuất muối tinh Quảng Ngãi. Lý do được nhà máy này đưa ra là muối Sa Huỳnh có lẫn nhiều tạp chất do diêm dân còn sản xuất muối ở dạng thủ công. Do đó, mỗi vụ muối nhà máy chỉ thu mua cho diêm dân Sa Huỳnh vài chục tấn còn lại là thu mua ở những nơi khác.

Nhưng, chuỗi ngày gian khó đã qua rồi. Kể từ sau ngày được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Muối Sa Huỳnh” (17/9/2011), những diêm dân ở làng muối Sa Huỳnh đã có nhiều tiến bộ trong việc hình thành nên mô hình sản xuất muối theo phương pháp mới.

Các diêm dân làng muối Sa Huỳnh chăm chỉ với mô hình sản xuất mới

Ông Võ Văn Thu, diêm dân ở làng Long Thạnh (xã Phổ Thạnh) hồ hởi: “Từ ngày muối Sa Huỳnh được công nhận thương hiệu đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho diêm dân phát triển nghề truyền thống của mình, có điều kiện tiếp thu, học hỏi và truyền đạt kinh nghiệm cho nhau, xây dựng chất lượng cho muối Sa Huỳnh”.

Theo ông Thu, với phương pháp làm mới này, diêm dân phải bỏ tiền đầu tư khoảng hơn 4 triệu đồng/100m2 nếu làm nền lót bạt và khoảng 13 triệu đồng nếu làm nền xi-măng. Mặc dù đầu tư khá nhiều nhưng bù lại, tạp chất đất cát lẫn trong muối giảm trên 95%, sản lượng muối đạt trên 50 tấn/ha (tăng từ 17- 20 tấn/ha) và giá bán tăng từ 20-30% so với muối sản xuất theo lối truyền thống. Đó là chưa kể thời gian để đi vào sản xuất cho một vụ mùa được giảm hơn một nửa và rút ngắn thời gian kết tinh muối.

“Nói chung, so với cách làm cũ (thủ công), cách làm mới này có nhiều lợi thế hơn. Diêm dân chúng tôi coi đó là hướng đi mới trong việc sản xuất muối Sa Huỳnh này” – ông Thu nhìn nhận.

Giữa trưa, đứng trên bờ đê của làng muối Sa Huỳnh nhìn về tứ hướng, giữa mênh mông đồng muối, đâu đó chúng tôi cảm nhận được niềm vui của diêm dân nơi đây đang lan tỏa ngập tràn, khấp khởi chờ vụ sản xuất mới bội thu…

Đồng muối Sa Huỳnh có diện tích sản xuất hơn 116 ha với 557 thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu hợp pháp. Hằng năm, sản lượng muối đạt khoảng từ 6.000 – 8.000 tấn. Đây là đồng muối lớn nhất miền Trung với hơn 100 năm hình thành và phát triển, được đầu tư xây dựng 6 tuyến đê bao với chiều dài hơn 5km phục vụ cho việc cải tạo, phát triển đồng muối.

Rate this post

Các bình luận

Click để bình luận

Gửi bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng chuyên mục Hình ảnh - Video clip

Lên trên