Quảng Ngãi, Sông Trà khúc, Cư dân Việt ven sông Trà Khúc
Quảng Ngãi là một tỉnh nằm ở ven biển Nam Trung bộ, diện tích 5135,20 km2, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Bình Định, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây và Tây Nam giáp 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai.
Cũng như các tỉnh ven biển miền Trung, địa hình tỉnh Quảng Ngãi đa dạng và phức tạp; phía Tây là vùng núi đồi (chiếm 2/3 diện tích toàn tỉnh), hiểm trở, chập chùng, nối liền với cao nguyên KonTum; dọc theo hướng Tây Đông, độ cao thấp dần, là những dãi đồng bằng hẹp phù sa sông, chạy song song với những dãi đồng bằng đất bạc màu, thỉnh thoảng nhô lên những ngọn đồi thấp, những dãy núi đất có độ cao không quá 100 mét so với mặt nước biển; tiếp đến là vùng ven biển với những dãi cát, động cát cùng nhiều đầm, phá, chia cắt nhau bởi những mõm núi nhoài ra biển (mũi Batangan, mũi Coco, …) hoặc các cửa sông (Sa Cần, Sa Kỳ, Đại Cổ Lũy, Cửa Lở…)
Các dòng sông lớn ở Quảng Ngãi (Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu), đều phát nguyên từ vùng núi phía tây, xuôi về đông và đổ ra biển sau nhiều lần chuyển hướng (Tây Nam – Đông Bắc, hoặc Tây Bắc – Đông Nam), uốn lượn, quanh co. Ở vùng trung lưu và hạ lưu, phù sa của những dòng sông này bồi đắp thành những đồng bằng hẹp, tương đối phì nhiêu, màu mỡ.
Năm 2004, dân số tỉnh Quảng Ngãi có 1.271.370 người với 4 dân tộc anh em cư trú lâu đời là Việt (kinh), H’re, Cor và Xê Đăng.
Người H’re (H’rê, Thượng Đá Vách, …),dân số 111.302 người(tại Quảng Ngãi – 2004), sống ở hầu hết các huyện miền núi phía Tây, dựa vào những ngọn đồi thấp, các thung lũng và ven sông nhỏ (sông Liêng, sông Tang, sông Rvá, sông H’re, sông R’hin, …). Từ lâu đời, người H’re đã biết đắp bờ, ngăn đập lấy nước làm ruộng lúa nước ở những thửa ruộng bậc thang chân đồi và các thung lũng hẹp. Ở nhiều plây (làng) của người H’re, khai thác nương rẫy, săn bắn, hái lượm đã nhường vai trò chủ đạo trong sản xuất cho trồng trọt lúa nước. Cách lựa chọn vị trí để định cư, lập các plây (dọc theo chân đồi, gần nguồn nước), cách bố trí xây dựng các nhà sàn (theo hình cánh cung hoặc hình xương cá), việc tạo lập vườn riêng (có rào chắn bằng tre hoặc gỗ, đều đặn, rạch ròi) cho mỗi gia đình (có nhiều nhất là 2, 3 thế hệ), cách tổ chức xã hội, những biểu hiện của sự “phá vỡ” hệ thống thần thoại, trường ca, trong khi đề tài “phân chia tài sản”, những “số phận riêng tư” chiếm tỉ lệ khá cao trong các mon (chuyện cổ tích), … cho thấy xã hội H’re thời kỳ Trung – Cận đại đã đứng ở ngưỡng của sự phá vỡ hình thái công xã thị tộc để chuyển dần sang hình thái xã hội tư hữu.
Người H’re có địa bàn cư trú tiếp giáp với người Việt, đặc biệt là ở thượng nguồn sông Trà Khúc, có quan hệ giao lưu xã hội, trao đổi hàng hóa (chủ yếu là hàng đổi hàng) từ khá lâu. Một số giai thoại, truyền thuyết còn cho thấy mối quan hệ “trên ngược, dưới xuôi” đã hình thành từ khi người Chiêm còn tụ cư, sinh sống ở vùng đồng bằng Quảng Ngãi.
Dân tộc Cor (Kor, Cùa, …) hiện có 23.965 người (tại Quảng Ngãi – 2004), chủ yếu cư trú ở 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà (Quảng Ngãi), số ít hơn ở 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (Quảng Nam), sống trên địa bàn rừng núi hiểm trở, hoạt động kinh tế chủ yếu là khai thác nương rẫy (trồng lúa rẫy, mì, ngô, đặc biệt là trầu không và quế) kết hợp hái, lượm, săn bắn. Người Cor sống quần tụ thành làng gọi theo tên của người đứng đầu làng. Nhà sàn người Cor là kiểu nhà dài (gọi là nóc) làm trên sườn đồi, bên suối nước, gần nương rẫy. Nóc là nơi ở có khi đến hàng chục gia đình cùng huyết thống. Mỗi nóc chia làm nhiều cửa, mỗi cửa có một bếp lửa, mỗi bếp lửa là một gia đình.
Trước đây, do địa bàn cư trú hiểm trở, lại thêm cách ứng xử phân biệt nghiệt ngã của bộ máy cai trị phong kiến, nên quan hệ giữa người Cor và người Việt hạn chế nhiều so với người H’re. Tuy vậy, nhiều lâm đặc sản từ vùng cư trú của người Cor cũng được những người buôn bán “nậu nguồn” đưa về xuôi, như trầu không, gió trầm, cánh kiến, đặc biệt là quế – một đặc sản của Trà Bồng – Trà My, được biết đến trên thị trường trong và ngoài nước với tên gọi “Quế Quảng”.
Người Ca Dong (KaDoang, Kà Dong, …) là một nhánh địa phương của dân tộc Xê đăng; dân số 14.808 người (tại Quảng Ngãi – 2004), cư trú chủ yếu ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi), huyện Huyện Kômplông, thị xã KonTum (KonTum), sống trên vùng núi cao, làm nương rẫy, săn bắn, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Rèn và dệt vải là những nghề thủ công truyền thống khá nổi tiếng của người CaDong. Địa bàn cư trú của người CaDong thực ra là phía Đông của Cao nguyên KonTum, nhiều núi cao, thung lũng, do vậy trước đây tộc người này có quan hệ, giao lưu với người các nhóm người Xê Đăng khác (phía Tây) và người H’re (phía Đông) hơn là với người Việt. Trước năm 1975, sự hiểu biết của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về người CaDong còn hạn chế khá nhiều so với người H’re láng giềng cũng như so với các nhóm địa phương khác của dân tộc Xê đăng.
Người Việt (Kinh)có số dân đông nhất, sống chủ yếu ở vùng đồng bằng, nhiều nhất là những vùng ven các dòng sông, trải qua nhiều đời, hình thành các làng ven sông – một loại hình làng chủ yếu ở miền Trung. Các thị xã, thị trấn, thị tứ (như thị xã Quảng Ngãi, thị trấn Châu Ổ, thị trấn Sông Vệ, thị trấn Thu Xà,…) hình thành về sau, vẫn chủ yếu nằm ở những địa bàn cận sông, có giao thông đường bộ, đường thuỷ thuận lợi với những vùng chung quanh. Có thể dễ dàng thấy rằng, trong 3 loại hình làng chủ yếu của người Việt ở miền Trung (làng ven sông, làng ven biển – cửa sông, làng triền đất bạc màu trung du), làng ven sông, giữ vai trò khá nổi trội vì những thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, khai thác tài nguyên và giao thông sông nước, cũng như giao thông đường bộ.
Khó có khả năng người Việt đến vùng đất Quảng Ngãi ngày nay trước đầu thế kỷ XIV, hay nói chính xác hơn là trước năm 1306 (Trần Anh Tông ở ngôi vua, Trần Nhân Tông là thượng hoàng), khi vua Chiêm Thành (Cam, Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Champa, Lâm Ấp) là Jaya Simhavarman III (Chế Mân) nạp trưng 2 châu Ô, Lý cho triều đình Đại Việt để cưới công chúa Huyền Trân. Nhà Trần đổi Ô, Lý thành Thuận Châu và Hóa Châu. Hóa Châu bấy giờ thành cực Nam của Đại Việt gồm đất Phú Lộc, Phú Vang (nay thuộc Thừa Thiên – Huế), và Hòa Vang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên (nay thuộc Quảng nam), tiếp liền theo là Chiêm Động và Cổ Lũy Động (nam Quảng Nam, bắc Quảng Ngãi) còn nằm dưới quyền cai quản của Chiêm Thành.
Có nhà nghiên cứu cho rằng, dâng 2 châu Ô, Lý cho vua Trần, Chế Mân đã vừa lấy được bà vợ người Việt lá ngọc cành vàng lại vừa mưu đồ đẩy vùng đất “ác địa”, nơi cư trú của những bộ tộc hung hãn, khó cai quản cho nhà Trần, tạo thêm những vướng víu đối nội cho quốc gia Đại Việt (vốn có tiềm lực quân sự hùng mạnh, nhưng vừa phải trải qua cuộc kháng chiến ác liệt chống xâm lược Nguyên – Mông), để từ đó rảnh tay thuần phục các tiểu quốc phía Nam, tính kế lâu dài.
Dù thế nào đi nữa thì Chế Mân đã qua đời 1 năm sau đó (5/1307) và rồi Trần Khắc Chung mượn cớ điếu tang, lập mưu cướp lại nàng công chúa Việt, đưa về nước cũ. Quan hệ Việt – Chiêm lại thêm một hồi biến động, người Chiêm từ vùng Chiêm Động, Cổ Lũy động, nhiều lần đột kích ra đất Hóa Châu bắt người Việt đem về. Nạn người Chiêm cướp của, bắt người càng diễn ra liên tục dưới thời Chế Bồng Nga (1360 – 1396), đến nỗi nhiều phen đàn bà con gái đất Thăng Long – kinh kỳ cũng bị quân Chiêm bắt cướp. Từ năm 1361, 1362, khi bắt đầu những cuộc tiến quân hung hãn của Chế Bồng Nga ra vùng Đà Lý, Lâm Bình, hẳn đã có không ít người Việt bị quân Chiêm đưa về làm tỳ thiếp hoặc làm phu phen, tạp dịch, khổ sai ở các vùng Chiêm Động, Cổ Lũy Động, Chà Bàn…Lúc bấy giờ, nhà Trần bước vào giai đoạn suy vi. Năm 1369, Trần Dụ Tông băng hà, Dương Nhật Lễ tiếm ngôi được 1 năm thì bị phế, Nghệ Tông được đặt lên ngai vàng. Một nhóm người thân thiết của Dương Nhật Lễ chạy sang Chiêm. Đất nước bị lân bang cướp phá, triều đình rối ren, dân tình cực khổ, vùng Tân Bình, Thuận Hóa loạn lạc nổi lên liên miên. Đến khi bị Triều đình đàn áp, loạn quân trốn chạy vào Chiêm Động, Cổ Lũy Động để tìm chốn dung thân.
Những người Việt đầu tiên vào đến đất Nam – Ngãi trong bối cảnh như thế.
Cuộc chuyển di của người Việt vào đất Quảng Ngãi ngày nay, có quy mô lớn và có tổ chức lần đầu tiên diễn ra vào năm 1402, dưới thời nhà Hồ, khi đất Chiêm Động và Cổ Lũy Động chuyển sang quyền cai quản của nhà nước phong kiến Đại Ngu. Sau khi chia đặt 4 châu Thăng, Hoa (Nam Quảng Nam), Tư, Nghĩa (Bắc Quảng Ngãi, từ sông Bến Ván giáp Quảng Nam, đến lưu vực sông Trà Khúc) đặt lộ Thăng Hoa và trấn Tân Ninh, cử quan lại trấn nhậm, Hồ Quý Ly hạ lệnh cho dân có của mà không có ruộng ở Nghệ An, Thanh Hóa vào đây để khai khẩn, thích tên châu mình ở lên cánh tay, nhận trâu của triều đình cấp phát để cày ruộng.
Nhà Hồ ở ngôi không bao lâu thì quân xâm lược nhà Minh đoạt nước, Chiêm Thành thừa cơ chiếm lại lộ Thăng Hoa, một bộ phận di dân người Việt trở ra Thuận Hóa, số còn lại bằng nhiều cách tiếp tục sống chung với người Chiêm, vừa né tránh sự cai trị hà khắc của quân Minh, vừa âm thầm giữ gìn nền văn hóa Việt, ngóng về phía Bắc chờ đợi sự phục hưng của tổ quốc.
Những cuộc nổi dậy chống Minh của Giản Định Đế, Trùng Dương Đế và tiếp theo là cuộc kháng chiến của Lê Lợi đã gởi đến cho cư dân lưu lạc người Việt ở lộ Thăng Hoa cũ chút ánh sáng dù còn le lói của niềm tin.
Năm 1425, Lê Lợi thu phục Thuận Hóa; năm 1427 đất nước sạch bóng quân Minh. Tuy vậy, phải đến năm 1471 (Hồng Đức thứ 2) với cuộc hành quân Nam chinh của vị vua văn võ toàn tài Lê Thánh Tông, trong đó có những chiến thắng oanh liệt ở núi Mộ Nộ (Tây cửa Sa Kỳ, Quảng Ngãi), cửa Thể Cần (Đông Bắc huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), Thị Nại, Chà Bàn (Bình Định), vùng đất Quảng Ngãi mới vĩnh viễn trở thành một bộ phận của tổ quốc.
Tháng 6/1471, vua Thánh Tông cho lập đạo thừa tuyên Quảng Nam, thống lĩnh 3 phủ, 9 huyện, trong đó có phủ Tư Nghĩa (3 huyện Bình sơn, Mộ Hoa và Nghĩa Giang), nay là địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đặt dưới quyền cai quản của Tam Ty (Đô Ty, Thừa Ty, Hiến Ty). Dưới đạo là phủ, có chức tri phủ. Dưới phủ là huyện, có chức tri huyện. Cấp dưới huyện là xã, do xã trưởng đứng đầu.
Thực hiện chỉ dụ và sự khuyến khích của triều đình, dân cư các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Nam đi vào vùng đất mới Nam – Ngãi – Bình, cấy cày ở vùng đồng bằng, khai thác tài nguyên phong phú trên rừng, dưới biển.
Ngoài những đợt sóng di dân có tổ chức như thế còn có những người bị buộc phải vào Nam vì tội lưu hình (đày). Theo quy định thời đó, người bị tội lưu đi ngoại châu thì sung vào vệ quân đi Tư – Nghĩa (Quảng Ngãi). Ngoài ra còn có “những người di cư lẻ tẻ, từng gia đình, từng nhóm… ấy là hạn người hoặc bất mãn với chế độ đương thời, hoặc can phạm tội tình nên phải trốn tránh hoặc vì sự nghèo khó muốn đi tìm chỗ làm ăn dễ dàng hơn, hoặc vì phiêu lưu muốn đi tìm sự may mắn, giàu sang, đất dụng võ rộng rãi hơn” (Phan Khoang – Xứ Đàng trong).
Công cuộc di dân khai khẩn vùng đất Quảng Ngãi còn tiếp tục dưới thời các chúa Nguyễn mà nơi đến đại đa số là vùng đất phía Nam sông Vệ (các huyện Mộ Đức, Đức Phổ ngày nay) như có thể thấy được qua gia phả các dòng họ, các sắc phong của vua chúa cho những công thần (Trần Cẩm, Huỳnh Văn Đạt …) hiện còn được gia tộc lưu giữ.
Trong khi người Việt lớp trước lớp sau đến tụ cư, sinh sống, thì cư dân Chiêm cũng có những biến động sâu sắc: Một bộ phận lùi dần vào phía Nam, số ít hơn có thể đã ngược lên miền núi; một bộ phận khác ở lại vùng đất cũ, hòa nhập, hòa huyết, hợp dung văn hóa với người Việt, góp thêm những sắc thái bản địa đậm chất Đông Nam Á biển đảo vào nền văn hóa sông Hồng – Đông Sơn mà người Việt mang theo trong cuộc hành trình mở đất, để từ đó làm giàu thêm nền văn hóa Việt Nam thống nhất – đa dạng – đa dân tộc.
Có thể tìm ra những dấu hiệu mang gốc tích Chiêm – Phương Nam trong nhiều mặt của đời sống người vùng Nam Trung bộ hiện nay, đặc biệt là về phương diện Folklore học, từ văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên sự truy nguyên, nhận diện những dấu hiệu này, cho đến nay, vì nhiều nguyên nhân, vẫn là mảnh đất chưa được các nhà nghiên cứu bỏ nhiều công sức. Ở đây, chúng ta hiểu rằng, đi tìm những nét riêng chính là chỉ ra những độc đáo của văn hóa vùng – miền, làm phát lộ vẻ đẹp bản nguyên, nguồn cội của nền văn hóa Việt Nam vừa khoan dung vừa giàu sức sống.
Sông Trà Khúc là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, phát nguyên từ cao nguyên ĐakTrôn (Kon Tum) hợp lưu từ 4 con sông nhỏ (sông Tang, sông Xà Lò, sông H’re, sông R’hin) nằm trên địa bàn khắp 5 huyện miền núi phía Tây Quảng Ngãi, chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và thị xã Quảng Ngãi trước khi đổ ra biển Đông qua cửa Đại Cổ Luỹ và cửa Sa Cần. Ở hạ lưu, sông Trà Khúc còn thông với sông Vệ (một con sông lớn khác ở phía Nam sông Trà Khúc) qua một dòng sông nhỏ.
Theo tính toán của các nhà thủy văn, hệ thống sông Trà Khúc có tổng độ dài trên 200km, lưu vực trên 3250km2, gấp 1,5 tổng lưu vực của các sông Trà Bồng, sông Vệ, Trà Câu (cùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi). Vì vậy, sông Trà Khúc có vai trò rất quan trọng trong việc chuyển tải phần lớn lượng nước mưa ra biển cũng như cung cấp nước cho vùng đồng bằng tập trung đông dân cư. Từ địa điểm Ngã Ba Nước (thuộc xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà – tả ngạn; xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa – hữu ngạn), dòng sông ổn định dòng chảy và được định danh là Trà Khúc. Có ngưòi cho rằng âm Trà có nguồn gốc từ ngôn ngữ Chiêm (Trà/Chà) còn Khúc là biểu thị những khúc quanh đổi hướng của dòng sông (Trà giang cửu khúc hồi hoàn – thơ Cao bá Quát).
Các dòng sông ở miền Trung nói chung, sông Trà Khúc nói riêng có đặc điểm lưu vực nhỏ, lòng sông hẹp và dốc, nước chảy xiết, dẫn đến khả năng trữ nước ngầm cho mùa khô khá nghèo nàn. Trong khi đó, do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết – khí hậu, lượng mưa lại chênh lệch rất cao giữa 2 mùa mưa, nắng. Dòng chảy sông Trà Khúc mùa mưa chiếm 70% tổng lượng mưa hàng năm; 30% tổng lượng mưa trong mùa cạn lại kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Chạp. Nạn khô hạn vào mùa nắng (tháng 1 đến tháng 8) và lũ lụt vào mùa mưa (tháng 9 đến tháng 12) trở thành mối đe dọa thường xuyên đối với sản xuất và đời sống của cư dân sông Trà Khúc. Đã có nhiều trận lũ lịch sử gây ra những thảm họa về môi trường, tài sản và tính mạng người dân như những trận lũ kinh hoàng năm Mậu Dần (1878), Giáp Thìn (1964), Kỷ Mão (1999). Riêng trận lũ năm Mậu Dần (Tự Đức thứ 31) – dân gian gọi là trận “lụt bất quá”, đã để lại những ấn tượng khó phai mờ trong ký ức người dân Quảng Ngãi với nhiều bài vè, nhiều câu hát dân gian đến nay vẫn còn lưu truyền, thể hiện tình cảnh bi đát của người dân Quảng Ngãi lúc bấy giờ:
Ai mà thác mất đã rồi
Ai còn sống lại cũng ngồi nhịn trong
Đói mà sống cũng không xong
Thương người trôi nỗi giữa dòng nước sâu
Kẻ kêu than vợ con đâu?
Người thảm cha mẹ, người rầu anh em …
(Vè Lụt bất quá)
Nhưng cũng từ hoàn cảnh thiên nhiên đấy khắt nghiệt như thế mà đức tính nhẫn nại, kiên trì, khối óc tài hoa, bàn tay khéo léo và ý thức hợp lực cộng đồng của người Quảng Ngãi đã được phát huy cao độ. Từ đời này qua đời khác, những lũy tre xanh được trồng lên giăng khắp đôi bờ sông, vây bọc xóm làng chống lại con nước dữ dội mùa lũ lụt; hàng trăm cây số sông đào xẻ nước từ dòng sông ra nhiều hướng để vừa lấy nước tưới đồng vào mùa hạn, vừa phân lũ mùa mưa. Rất đặc biệt và trở thành một chứng tích lao động hùng vĩ là những guồng xe nước cùng hệ thống bờ cừ, kênh mương, vừa là những công trình thủy lợi tắm mát ruộng đồng, vừa hãm dòng chảy nâng cao mực nước sông mùa cạn, tạo điều kiện cho việc đi lại của thuyền bè, điều hòa sinh quyển, làm phong phú hệ động – thực vật sống dưới lòng sông và ven bờ.
Từ nhiều đời nay, sông Trà Khúc không chỉ gắn bó với đời sống và sản xuất nông nghiệp của cư dân 2 bên bờ sông mà còn là đường giao thông sông nước giữa vùng cửa biển, đồng bằng với thượng nguồn, giữa cư dân vùng đồng bằng sông Vệ với cư dân vùng đồng bằng sông Trà Khúc và rộng hơn là mối giao lưu đường biển giữa đất liền với đảo Lý Sơn (cách bờ biển khoảng 18 hải lý về phía đông Bắc) xa hơn nữa là giữa Quảng Ngãi với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như với các vùng, miền trong nước và Đông Nam Á thông qua cửa Đại Cổ Luỹ và cửa Sa Cần
Lưu vực và cận lưu vực sông Trà Khúc là nơi tụ hội nhiều cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo khá tiêu biểu của Quảng Ngãi. Trong số 12 cảnh quan thiên nhiên được người xưa gọi là ” kỳ thú” của Quảng Ngãi (Quảng Ngãi thập nhị cảnh) có 4 thắng cảnh nằm ven sông Trà Khúc ( Thiên Ấn niêm hà, Long Đầu hý thủy, Cổ Lũy cô thôn, Hà Nhai vãn độ) và nhiều thắng cảnh khác hiện ra trong tầm quan sát từ điểm nhìn đỉnh núi Thiên Ấn (đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi) như: Thiên Bút phê vân, Thạch Bích tà dương, An Hải sa bàn, Thạch Ky điếu tẩu … Sông Trà Khúc hợp với núi Thiên Ấn (núi Ấn – sông Trà) thành cặp biểu tượng sông – núi của vùng đất Quảng Ngãi (Trà giang, Thiên Ấn chuông gầm sóng/ Vang tiếng nghìn năm đất Cẩm Thành – thơ Bích Khê) và đã được Nhà Nguyễn cho khắc vào Cửu đỉnh. Những xóm làng ven sông Trà Khúc, uốn lượn theo những khúc quanh của dòng sông, với đồng ruộng phì nhiêu, nương dâu xanh thẳm, bãi ngô, bãi mía bạt ngàn; phía Tây là núi rừng trùng điệp, phía đông là biển biếc bao la.
Chính vai trò quan trọng của sông Trà Khúc đối với đời sống người Quảng Ngãi cũng như những mối quan hệ hình thành từ giao thương đường thủy trên con sông này đã tạo điều kiện quan trọng để hình thành “tiểu vùng văn hoá sông Trà Khúc” bao quát một địa bàn khá rộng và ảnh hưởng rõ nét lên khắp tỉnh Quảng ngãi, với những đặc sắc về văn hoá tinh thần, trong đó có vốn ca dao, dân ca, vô cùng phong phú, gồm nhiều câu hò, điệu hát gắn liền với môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường giao thương sông nước.
Như đã trình bày trên, đại bộ phận cư dân người Việt đến Quảng Ngãi nói chung, đến lưu vực sông Trà Khúc nói riêng, vào khoảng các thế kỷ XV, XVI, XVII, và có gốc gác chủ yếu ở vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh.
Chúng tôi đã có dịp tìm hiểu gia phả, tộc phả, phổ hệ của các dòng họ định cư lâu đời ở 2 bờ sông Trà, như: Lê – Nguyễn (dòng họ ông Xá, Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, bờ bắc sông Trà Khúc), Lê (Tịnh Minh – Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh), Nguyễn (Nghĩa Kỳ, bờ nam sông Trà Khúc, huyện Tư Nghĩa và Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh), Huỳnh (Tịnh Hà – Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh), Võ (Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh), Đỗ (Châu Sa, huyện Sơn Tịnh), Trương (Trương Đăng Quế, Trương Quang Đản – Mỹ Khê, Sơn Tịnh), Lê (Lê Trung Đình – Phú Nhơn, Sơn Tịnh), Bùi (Bùi Tá Hán, Bùi Tá Thế – Xuân Phổ, Tư Nghĩa), Tạ (Tạ Tương – Tư Nghĩa) … và đều nhận thấy các tộc họ lớn này vốn là những chi phái của các dòng tộc ở vùng Châu Ái, Châu Hoan.
Qua khảo sát cũng có thể nhận ra nhiều tên đất, tên làng ở những vùng 2 bên bờ Sông Trà Khúc, nhất là ở bờ bắc, giống với tên đất, tên làng ở Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh (Thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh – Quảng Ngãi, cũng là tên một huyện hiện nay ở Thanh Hóa, …). Dùng tên quê cũ để đặt tên cho vùng đất mình mới đến dừng chân sinh sống chính là một tập tục của người Việt, và điều này sẽ còn tiếp tục diễn ra khi người Việt từ vùng Nam – Ngãi – Bình – Phú đi dần vào phương Nam ở những thế kỷ sau. Thậm chí, những cư dân miền Trung khi chuyển cư vào Nam và lên Tây Nguyên những năm 50, 60 thế kỷ trước (theo chủ trương di dân của chính quyền Sài Gòn), và sau năm 1975 (theo chính sách kinh tế mới của nước Việt Nam thống nhất) vẫn còn giữ được tập quán này.
Ngoài ra, theo chúng tôi còn có một làn sóng người Việt đến Quảng Ngãi – lưu vực Sông Trà tương đối muộn. Đây cũng là những tộc họ có nguồn gốc từ Thanh – Nghệ – Tĩnh, nhưng không đi thẳng đến Quảng Ngãi mà đã dừng dân ở Thừa Thiên và nhiều nhất là vùng lưu vực sông Thu Bồn (Quảng Nam) từ vài, ba đời, sau đó cả dòng tộc hoặc một vài chi phái tiếp tục đi vào Quảng Ngãi và ở lại hẳn tại đây. Ngoài các tài liệu ghi chép thành văn (gia phả, tiểu truyện các công thần, danh tướng, …), chúng ta còn có thể tìm thấy bằng chứng của làn sóng di dân này (từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi) trong cách đặt tên làng, tên đất (huyện Đại Lộc – Quảng Nam; làng Đại Lộc – Sơn Tịnh, Quảng Ngãi); kỷ thuật dệt thao, lĩnh, lụa giống hệt nhau, nhưng lại có nhiều nét khác so với vùng bắc Trung bộ; đặc biệt là sự giống nhau về lời, về các giai điệu, làn điệu trong ca hát dân gian, …
Bước dừng chân của người Việt ở lưu vực và cận lưu vực Sông Trà, cũng có sự khác nhau về thời điểm ở 2 bờ tả ngạn (huyện Sơn Tịnh ngày nay, trước năm 1889 là phủ Bình Sơn) và hữu ngạn (huyện Tư Nghĩa và thị xã Quảng Ngãi ngày nay, trước đây là phủ Tư Nghĩa). Nhiều nhà sử học cho rằng, phần đất Cổ Lũy động (Chiêm Lũy động) mà vua Chiêm dâng cho nhà Hồ vào năm 1402 chỉ dừng lại ở bờ bắc sông Trà Khúc. Cũng ở bờ Bắc sông Trà Khúc, một thời gian dài sau khi vua Lê Thánh Tông thành lập thừa tuyên Quảng Nam (1471), các triều đại phong kiến kế tiếp nhau chọn làm nơi xây dựng các cơ quan cai quản vùng đất Quảng Ngãi: Thời Lê, dinh Tam Ty đóng trong nội phận thành cũ người Chiêm ở Châu Sa (nay thuộc làng Châu Sa, huyện Sơn Tịnh, phía tả ngạn, hạ lưu sông Trà Khúc); đến đầu thời Nguyễn (trước 1817) thủ phủ tỉnh Quảng Ngãi vẫn đóng lại làng Phú Nhơn (nay thuộc huyện Sơn Tịnh, tả ngạn sông Trà Khúc). Văn Miếu tỉnh Quảng Ngãi (di tích hiện vẫn còn) cũng được xây dựng ở gần đấy. Có khá nhiều tộc họ sống ở bờ Nam, nhưng nhà thờ tổ lại ở phía bờ bắc. Ngược lại, đất hương hỏa, hương phần của nhiều tộc họ phía bờ bắc lại “xâm canh” sang phía bờ Nam.
Đến thời điểm hiện nay, nằm dọc 2 bờ sông Trà Khúc là 24 xã, phường thuộc các huyện Sơn Tịnh (tả ngạn), Tư Nghĩa và thị xã Quảng Ngãi (hữu ngạn); cụ thể (từ thượng nguồn xuống hạ lưu) như sau:
– Huyện Sơn Tịnh (12/21 xã, thị trấn): Tịnh Giang, Tịnh Đông, Tịnh Bắc, Tịnh Minh, Tịnh Sơn, Tịnh Hà, Tịnh Ấn Tây, thị trấn Sơn Tịnh, Tịnh An, Tịnh Châu, Tịnh Long, Tịnh Khê.
– Huyện Tư Nghĩa (8/18 xã, thị trấn): Nghĩa Lâm, Nghĩa Thắng, Nghĩa Thuận, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Hà, Nghĩa Hòa, Nghĩa Phú, Nghĩa An.
– Thị xã Quảng Ngãi: (4/10 xã, phường) phường Quảng Phú, phường Lê Hồng Phong, xã Nghĩa Dũng, xã Nghĩa Dõng.
Trừ 2 phường Quảng Phú và Lê Hồng Phong của thị xã Quảng Ngãi, và thị trấn Sơn Tịnh (huyện Sơn Tịnh) kinh tế nông nghiệp đang chuyển dần sang thương mại, dịch vụ, ở 21 xã còn lại người dân vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông, canh tác những thửa ruộng hẹp nhưng khá màu mỡ, trồng dâu, mía, ngô (bắp), đậu lạc (đậu phụng), rau xanh, hoa và nhiều nhất là lúa nước.Để đáp ứng yêu cầu về nước tưới, hệ thống thủy lợi khá phát triển với những guồng xe nước – công trình thủy lợi đặc trưng của Quảng Ngãi, được xây dựng dọc theo 2 bờ sông Trà, cùng hệ thống kênh, mương khá hoàn chỉnh. Ngày nay, công trình đại thủy nông Thạch Nham đã thay thế xuất sắc nhiệm vụ lấy nước sông tưới cho đồng ruộng của hệ thống các guồng xe nước, nhưng hình ảnh những guồng quay lấy nước 8 – 12 bánh xây dựng hoàn toàn bằng thủ công với những nguyên liệu địa phương (chủ yếu là tre, dây rừng), thể hiện trí thông minh, kinh nghiệm làm thủy lợi, bàn tay khéo léo và ý chí kiên nhẫn của người Quảng Ngãi đã mãi mãi đi vào tâm thức của người dân đôi bờ sông Trà và trở thành một hình ảnh của quá khứ nhưng không thể phai mờ về quê hương sông Trà – núi Ấn.
Dọc đôi bờ sông Trà còn có những làng nghề thủ công nổi tiếng như Làng rèn (Tịnh Minh – Sơn Tịnh), Làng giá (Xóm Vạn – Sơn Tịnh), Làng rau xanh Sung Tích (Sơn Tịnh), Thanh Khiết (Tư Nghĩa), Làng hoa (Nghĩa Hà, Nghĩa Hòa), Làng chiếu Cổ Lũy Bắc (Sơn Tịnh), Cổ Lũy Nam (Phú Thọ -Tư Nghĩa) … đặc biệt là nghề nấu đường muỗng, chế biến đường phèn, đường phổi nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc …
Như hầu hết cư dân sống ven các con sông ở miền Trung, ngoài nghề nông, đánh bắt cá, khai thác các nguồn tài nguyên sông nước (nhủi hến, nhủi don, khai thác cát, sạn), vận chuyển và buôn bán nhỏ theo đường sông cũng là những nghề phụ đáng chú ý của cư dân sông Trà. Các món ăn cá bống kho tiêu (chế biến từ cá bống sông Trà Khúc), lịch xáo măng, don, cá thài bai chưng trứng, … là những món ẩm thực bình dân nhưng khá độc đáo của vùng đất Quảng Ngãi. Con đường sông từ Cửa Đại (phía Bắc), Thu Xà – Tam Thương (phía Nam) ngược lên bến Hà Nhai, được tiếp nối với những chặng đường bộ; (Chợ Mới – Chợ Ba Gia – Chợ Đồng ké – nguồn Sơn Hà; Chợ Mới – Chợ Đình – Chợ Than – nguồn Trà Bồng; …) đóng vai trò khá quan trọng trong giao lưu, trao đổi hàng hóa ngược xuôi. Trên mỗi chặng đường sông nước là những bến sông, nơi các “bạn ghe” có thể tạm dừng nghỉ qua đêm hoặc trao đổi hàng hóa, và cũng là nơi có những chuyến đò ngang, qua lại đôi bờ. Liền với các bến sông, thường là những “trường hát hố”, nơi diễn ra những cuộc hát hò, hát hố vào những đêm trăng, những hội chơi bài chòi vào dịp tháng giêng, ngày tết. Trường hát hố thường là sân đình, bãi chợ (ban ngày là chợ, ban đêm là trường hát), cũng có khi là sân của một gia đình khá giả ưa thích hát hò. Đình làng – Bến sông – Guồng xe nước -Chợ – Giếng làng – Trường hát hố là hình ảnh quen thuộc, thân thương mang bản sắc riêng của những làng quê ven sông Trà Khúc. Và cũng chính từ đây vang lên những câu hò, điệu hát thắm đượm nghĩa tình, lắng sâu nhân nghĩa, thể hiện tâm tư tình cảm của bao thế hệ người Quảng Ngãi.
Câu nói của người xưa “Địa linh sinh nhân kiệt quả ứng” vào vùng đất ven sông Trà Khúc. Nhiều nhân vật kiệt xuất của Quảng Ngãi và cả nước chính là những người con của dãi đất Sông Trà. Phía tả ngạn là Đô đốc Tây Sơn Trương Đăng Đồ (làng Mỹ Khê), Bình tây Đại Nguyên Soái Trương Định (làng Tư Cung Nam), Học giả, nhà thơ, đại thần triều Nguyễn Trương Đăng Quế (làng Mỹ Khê), Nhà yêu nước – thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Cần Vương đầu tiên trong cả nước Lê Trung Đình (làng Phú Nhơn), Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội Quảng Ngãi đầu tiên – Trương Quang Trọng (Phú Nhơn), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Trưởng ban chỉ huy khởi nghĩa Ba Tơ Trương Quang Giao (làng Mỹ Khê), nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất Nguyễn Chánh, … Bên hữu ngạn là nhà yêu nước, tác giả Bình Thành Cáo thị nổi tiếng Nguyễn Duy Cung (làng Vạn Tường), Chí sĩ Cần Vương Thái Thú (thị tứ Thu Xà), nhà yêu nước Nguyễn Thụy (làng Hổ Tiếu), chí sĩ Cần Vương Phạm Cao Chẩm (làng Xuân Phổ), … Đôi bờ sông Trà Khúc cũng là quê hương của nhiều tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam (Trần Văn Trà, Trần Quý Hai, Phạm Kiệt, Võ Thứ, Nguyễn Văn Chức, Võ Bẩm, Phạm Văn Đường, Huỳnh Kim, Lê Trung Ngôn, Phan Quang Tiệp, …); nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng (Bích Khê, Lệ Thi, Trà Giang, Trương Quang Lục, Nguyễn Viết Lãm, Vân Đông, …); các anh hùng lao động Hồ Giáo, Phạm Gần, …; các anh hùng LLVTND Đoàn Liêm, Trương Quang Luật, Lê Quang Nho, Đặng Ngọc Tuấn, …
Cũng cần nói thêm rằng, đôi bờ sông Trà Khúc là vùng đất đầy ắp những giai thoại, truyền thuyết kể về nguồn gốc những tên núi, tên sông, những nhân vật có thật và tưởng tượng nhưng cùng mang trong mình tính cách của người Quảng Ngãi, như: Truyền thuyết về vua Nam Chiếu bên bờ sông Trà; Truyền thuyết về ông xá, những giai thoại về Bùi Trấn Công (ông Bùi Tá Hán), về Trương Văn Quế, Lê Trung Đình, Trương Định; Cổ tích ông Câu ghềnh đá (Thạch Ky điếu tẩu); Cổ tích ông Khổng lồ gánh núi; Cổ tích núi Thiên Mã,…
Xuôi ngược sông Trà, lại gặp câu ca quen thuộc khắp miền sông nước Nam Trung bộ:
– Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên …
– Chèo ghe xuống vạn múc dầu
Hỏi thăm chú lái nhức đầu khá chưa…
Nhưng rồi cũng đến lúc người con trai “dưới vạn” cất lên câu hát đượm buồn:
Ghe buồm ngược hướng Ba Gia
Bậu về xứ nẫu bỏ qua một mình! …
Không chỉ là “mít non gởi xuống”, “cá chuồn gởi lên” mà người con gái ấy đã ngược hẳn về phía đầu nguồn, theo con gió nồm thổi lên từ phía biển. Khi cái tình trên nguồn, dưới biển đã đậm rồi mà anh con trai dưới Vạn cứ dùng dằng, không chịu mau chân “trầu rượu đến nhà” thì cũng đành nhìn theo cánh buồm ngược gió mà than thở một mình !…
Nhưng dù sao thì anh con trai dang dở tình duyên ấy cũng như bao người dân Quảng Ngãi vẫn muốn thổ lộ nổi lòng riêng tư, thầm kín của mình với sông Trà Khúc, với những cánh buồm xuôi ngược con nước xanh trong, tha thiết tình quê, nồng thắm tình người ….
Lê Hồng Khánh – Quảng Ngãi, tháng 4/2005