Kết nối với chúng tôi

Hướng dẫn sử dụng Linux cho người mới | Nhập môn Linux

Hướng dẫn sử dụng Linux cho người mới | Nhập môn Linux

liinux-freedom-choices-beautiful


Các bạn thân mến!

Linux là một hệ điều hành mã nguồn mở rất hấp dẫn và có chiều sâu. Nó thu hút người dùng một phần vì cái chiều sâu đó. Đây là nơi bạn có thể tự do khám phá, chọc ngoáy, phát triển và sáng tạo theo cách riêng của bạn. Nếu như không có niềm đam mê thực sự với Linux thì sẽ rất dễ chán nản, nhưng một khi đã đam mê với nó rồi thì sẽ gắn bó với nó mãi theo thời gian…

Với tư cách là một người đam mê Linux, RK (Feral Wolf) có quyết tâm đưa Linux đến với nhiều người dùng hơn nữa, bởi với 1 Geek thì không gì thích hơn là ngày càng có nhiều người sử dụng hệ điều hành mà mình yêu thích, từ đó sẽ có thêm nhiều bạn bè và có sự giao lưu học hỏi thì đương nhiên là thú vị hơn rất nhiều.

RK biết quanh đây có rất nhiều người có niềm đam mê với Linux và đang muốn tìm hiểu về nó, nhưng vì “ngại” và “sợ” nên chưa dám thực hiện ước mơ của mình. Do đó RK viết bài này để cung cấp những kiến thức cơ bản cho những người mới tập xài Linux. Rất mong được sự giúp đỡ của những anh em xài Linux lâu năm nhằm tới mục đích chung là kết nạp thêm nhiều người nghiện Linux như mình.

1. Bỏ qua rảo cản tâm lý trước khi đến với Linux:

Mình không hiểu sao bây giờ là năm 201x rồi mà rất nhiều bạn vẫn còn giữ khư khư cho mình cái suy nghĩ cổ hủ là “Chỉ có dân IT mới xài được Linux”. Xin thưa rằng, nếu người khác làm được cái gì thì bạn cũng sẽ làm được cái đó, vấn đề chỉ là ở chỗ bạn có dám làm không thôi! Bản thân bạn cũng đang học để trở thành dân IT đấy thôi, và mấy ông thánh IT cũng là từ gà mà ra cả thôi! Vì thế điều bạn cần là sự can đảm, bỏ qua tất cả những rào cản tâm lý của bản thân thì sẽ đến được với thành công. Đương nhiên là trong quá trình nghiên cứu, các bạn kiểu gì cũng sẽ có đôi ba lần mất dữ liệu, làm hỏng cái này cái kia, vân vân… Đây là chuyện bình thường, nếu các bạn thực sự đam mê, biết chấp nhận và vượt qua nó thì sẽ đến được với chân trời kiến thức mới. Không có một tri thức nào không khiến bạn phải trả giá! Hãy nhớ điều đó.

Khách quan mà nói thì hiện tại Linux không “khó dùng” như ngày xưa nữa. Linux đang dần hướng tới sự đơn giản (Simple is the best) và từ đó người dùng cũng có thể sử dụng dễ dàng, thuận tiện hơn. Với những distro như Zorin hay Ubuntu thì chỉ cần làm quen 1-2 tuần là các bạn có thể nghịch phá thoải mái.

2. Linux và các Distro:

 


Đến với Linux, bạn sẽ phải làm quen với khái niệm Distro. Đây được gọi là các bản phân phối. Mình sẽ giải thích ngắn gọn về khái niệm này như sau:

Linux nguyên thủy thì vô cùng đơn giản. Nó chỉ là một tập hợp các mã nguồn mà thôi. Sau đó thì các nhà phân phối lấy mã nguồn này, build thành một hệ điều hành hoàn chỉnh, và thêm “hương vị riêng” cho hệ điều hành của mình. Như vậy, hệ điều hành này có nhân là Linux bởi nó được xây dựng trên mã nguồn mở của Linux, và được gọi là bản phân phối của Linux (Linux Distro). Những bản phân phối này chính là những hệ điều hành Debian, Ubuntu, Fedora,… mà chúng ta dùng ngày nay.

Vì tính chất mã nguồn mở của Linux, nên rất nhiều nhà phát hành, và cả các nhóm người dùng nhỏ, đã tạo ra rất nhiều bản phân phối cho nó. Nhiều bản phân phối được lấy làm nền tảng để tiếp tục tạo ra các bản phân phối khác. Mỗi bản phân phối khác nhau lại có một phong cách khác nhau, không bản phân phối nào giống bản phân phối nào. Chính vì vậy, số lượng phiên bản Linux luôn áp đảo so với các hệ điều hành khác.

Các Distro đình đám phải kể tới đó là Debian, SUSE, Fedora, Red Hat,… Ubuntu là đứa con hùng mạnh của Debian, nó chính là hệ điều hành mở đầu cho một loạt các tiên tuổi khác như Linux Mint, elementary OS, Zorin,…

Vậy bạn đã sẵn sàng để khám phá các Distro của Linux chưa?

3. Vấn đề cài Linux và dual-boot Linux với Windows:


Đây có lẽ là vấn đề mà nhiều người đau đầu nhất. Nếu không tìm hiểu kỹ thì sẽ người mới dùng chắc chắn sẽ gặp khó khăn, từ đó có thể dẫn đến rủi ro như chọn nhầm gây mất mát dữ liệu… Về vấn đề này có những điều bạn cần lưu ý sau đây:

a) Chuẩn bị các phân vùng cần thiết:

Về cơ bản thì Linux sử dụng 2 phân vùng chính:
– Phân vùng Swap
– Phân vùng Root

Phân vùng Swap là RAM ảo của Linux, bạn có thể tùy biến lượng RAM ảo này sao cho thích hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Lượng RAM ảo được khuyến cáo là 2 lần lượng RAM thực trên máy tính của bạn. Tuy nhiên, nếu máy tính của bạn có RAM từ 4 GB trở lên thì không nhất thiết phải có phân vùng này. Phân vùng Swap phải có định dạng là Linux swap (Swap area).

Phân vùng Root là phân vùng hệ thống của Linux, Linux sẽ được cài đặt vào phân vùng này và thư mục root (/) sẽ được đặt tại phân vùng này. Bạn có thể tùy biến phân vùng này phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Phân vùng Root nên có dung lượng >=40 GB, và phải được định dạng là Ext3 hoặc Ext4. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, mọi người đều dùng Ext4 bởi nó có tốc độ truy xuất nhanh hơn nhiều so với Ext3, vì thế nên khuyến khích các bạn sử dụng Ext4 thay vì Ext3.

Ngoài ra, các bạn có thể tạo một phân vùng khác dành cho thư mục Home, đây là phân vùng lưu trữ dữ liệu cá nhân của bạn, để tránh mất mát dữ liệu khi nâng cấp hoặc cài lại Linux. Phân vùng này cũng phải được định dạng Ext4 và dung lượng thì tùy ý bạn.

b) Nên chia ổ trước khi tiến hành cài đặt:

Một thói quen bạn nên có là trước khi tiến hành cài đặt Linux hay bất kì hệ điều hành nào, hãy tiến hành chia ổ (chuẩn bị tất cả các phân vùng cần thiết) rồi mới bắt đầu cài, khi đó quá trình cài của bạn sẽ nhanh và thuận tiện hơn, vì bạn chỉ việc chọn các Partition cần thiết và tiến hành cài thôi, không phải lo nghĩ nhiều. Nếu để công việc chia ổ diễn ra ngay trong quá trình cài đặt Linux, bạn có thể sẽ gặp rắc rối vì công cụ chia ổ mặc định của nó khá là “khó dùng”.

Lời khuyên của mình là trước khi cài Linux, hãy sử dụng Hirens’ Boot CD để truy cập vào Mini Windows XP, sử dụng MiniTool Partition Wizard Home Edition để chuẩn bị tất cả các phân vùng cần thiết, rồi mới bắt tay vào cài đặt.

c) Thiết lập phân vùng trong quá trình cài đặt Linux:

Khi cài đặt Linux, nó sẽ hỏi bạn cài vào phân vùng nào, bạn chọn như sau:
– Phân vùng Swap bạn chọn Use as swap area.
– Phân vùng Root bạn chọn Use as Ext4 (Ext3) Jouraling file system, đặt mount point là / (root), nên format trước khi cài.
– Phân vùng Home bạn chọn Use as Ext4 (Ext3) Jouraling file system, mount point đặt là /home.

d) Vấn đề dual-boot khi cài song song với Windows:

Hiện tại thì các bản Linux mới nhất đều đã nhận được bootloader của Windows 8 rồi (và đương nhiên là cả Windows 8.1 và Windows 8.1.1 nữa) nên bạn cũng không cần lo lắng lắm. Cài Linux xong thì khi khởi động nó sẽ hỏi bạn muốn vào hệ điều hành nào thôi. Nếu máy bạn nào có từ 2 đĩa cứng trở lên mà muốn an toàn hơn thì có thể cài bootloader của Linux vào một đĩa cứng khác rồi cho boot từ đĩa cứng đó để vào Linux, để bootloader của Windows ko bị ảnh hưởng thì cũng OK thôi.

4. Vấn đề về phần mềm:


Các “thánh” Windows và Mac thường hay lấy vấn đề này ra để “dọa ma con nít” với người sử dụng Linux. Trên thực tế, bạn không cần phải lo lắng gì về phần mềm cả, trên Windows bạn có cái gì thì trên Linux bạn cũng có cái tương tự như vậy. Linux hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng của bạn: công việc, học tập, giải trí, vân vân và vân vân…

– Trình duyệt: Firefox, Chrome
– Nghe nhạc, xem phim: VLC
– Văn phòng: Libre Office, Kingsoft Office
– Mail: Thunderbird, Geary
– Chỉnh sửa ảnh: GIMP
– Đọc file PDF: Okular
– Quay phim/ chụp ảnh màn hình: Kazam
……………………….

5. Vấn đề về giao diện:


Nhiều người nói giao diện của Linux không được phong phú và đẹp như Windows. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Linux có rất nhiều môi trường giao diện khác nhau (Graphical Desktop Environment) như GNOME, KDE, LXDE, XFCE,… Mỗi giao diện có một cấu trúc đặc trưng hoàn toàn khác biệt, và chỉ cần một chút tùy biến là ta sẽ có giao diện mới sặc sỡ lung linh ngay. Trên Windows thì ta ít khi thấy có 2 giao diện có cấu trúc khác hẳn nhau, hoặc nếu có thì cũng chỉ là thay đổi vị trí của các object trên Desktop. Tuy nhiên, trên Linux, mỗi khi chuyển đổi giao diện là ta sẽ có những trải nghiệm hoàn toàn mới, không giao diện nào giống giao diện nào. Điều đó khiến số lượng giao diện trên Linux áp đảo Windows. Còn về vấn đề đẹp hay xấu, mình không bàn tới ở đây vì các bạn cứ dùng thử thì khắc biết nó đẹp hay không. Xin nói thêm là nhiều bạn cứ thích so sánh GNOME với giao diện Windows 8, thế sao không tiện thể so sánh luôn Windows 8 với Windows 2000 đi cho nó đủ bộ? GNOME shell nó thiết kế theo phong cách khá cổ, đó là phong cách riêng của nó, và nó có nét đẹp của riêng nó (các bạn xài Fedora sẽ biết rõ điều này), các bạn không thích thì xài cái khác cho mình, ô kê?

6. Vấn đề về sử dụng Command Line:


Có rất nhiều bạn “phát hoảng” khi biết rằng khi dùng Linux thì phải biết đến Command Line. Cũng chẳng có gì phải sợ ở đây cả. Các bạn cứ làm như Command Line là những thao tác rất bình thường khi các bạn sử dụng máy tính thôi. Nhưng thay vì di chuyển chuột, nhấn vào các nút bấm thì bạn gõ vài dòng lệnh, thế thôi, chẳng có gì ghê gớm cả. Nhưng càng dùng, bạn sẽ thấy Command Line càng hay, bạn sẽ cảm thấy Command Line nhanh và mạnh hơn nhiều so với giao diện đồ họa. Chỉ cần biết vài lệnh cơ bản, là các bạn có thể sử dụng thành thạo rồi.

Đương nhiên, trong thời gian đầu, bạn có thể bị xáo trộn trong cách sử dụng máy tính nhưng một khi đã quen rồi thì sẽ thấy nó giống như một món ăn tinh thần không thể thiếu hàng ngày. Hãy khám phá nó nhé!

7. Vấn đề về bảo mật:

Như mình đã đề cập trong bài viết Vì sao xài Linux thì không sợ virus?, Linux có khả năng bảo mật rất tốt, vì thế nên không cần phải lo lắng về virus lắm, và bạn cũng không nhất thiết phải cài chương trình diệt virus nếu nhu cầu của bạn không quá khắt khe. Tuy nhiên bạn nên cài cho mình một trình quét virus để tránh biến máy mình thành trung tâm phát tán virus (bạn vô tình copy một con virus của Win vào máy mà bạn không hề hay biết, đương nhiên nó sẽ không thể chạy và lây nhiễm vào hệ thống của bạn được, tuy nhiên nếu bạn vô tình “chia sẻ” nó cho người khác thì con virus đó có thể lây nhiễm vào máy tính của bạn bè, người thân của bạn). Xài AV nào thì mình nói luôn là ClamAV hay ESET là quá đủ, không cần cài thêm gì nhiều.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là khi sử dụng Linux, bạn vẫn có thể có nguy cơ truy cập nhầm vào trang web lừa đảo, từ đó có thể vô tình giao thông tin cá nhân vào tay tin tặc. Vì thế khi lướt web bạn vẫn cần phải có sự tỉnh táo cao độ. Bạn nên cài thêm một số tiện ích như Web of Trust, Adblock Plus để nâng cao bảo mật cho trình duyệt (mình sẽ nói chi tiết hơn sau).

 



Trên đây là những vấn đề cơ bản mà bạn nên biết trước khi bắt đầu sử dụng Linux, còn rất nhiều điều nữa để nói nhưng mình xin hẹn các bạn trong các bài viết sau. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này. Chúc các bạn thành công với Linux!

Rate this post

Các bình luận

Đọc tiếp...
Bài viết liên quan...
Click để bình luận

Gửi bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng chuyên mục Phần mềm

Lên trên