Hướng dẫn SEO On Page WordPress toàn diện bài viết
Một trong các ưu điểm nổi trội của WordPress so với các nền tảng khác là khả năng quản lý dữ liệu & SEO chuyên nghiệp. Nhằm giúp các bạn hiểu hơn về SEO để có thể làm tốt điều này cho website, trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn các bạn “làm thế nào để SEO hiệu quả” nhờ vào On-page SEO.
Làm thế nào để tối ưu SEO OnPage trong WordPress
B1. Đường dẫn chính chứa keyword.
Các trang có thứ hạng trong top 5 cho keyword đều có 2 đặc điểm mà tôi vừa nói ở trên, và một điểm nữa là đường dẫn của họ đều chứa từ khóa. Đây chắc chắn sẽ là việc các bạn phải làm và dĩ nhiên, đường dẫn càng ngắn thì càng đạt được kết quả cao.
B2. Title chứa từ khóa.
Khi lập chỉ mục cho một site nào đó, title (tiêu đề) là yếu tố quan trọng đầu tiên mà bot của các công cụ tìm kiếm ghi nhận để xác định kết quả cho trang web đó trong kết quả tìm kiếm của mình. Website của bạn sẽ không thể có thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm như Google nếu bạn không đặt từ khóa mà bạn muốn SEO trong tiêu đề.
Để SEO hiệu quả nhất cho từ khóa của bạn, hãy nhớ 3 điểm sau đối với title của bạn
– Tiêu đề chứa từ khóa và nếu như bắt đầu bằng từ khóa được thì càng tốt.
– Tiêu đề có ít nhất 3 từ.
– Tiêu đề chứa 69 ký tự và không được ít hơn 10 ký tự.
B3. SEO cho nội dung của bài viết.
Từ khi có Google Panda thì vấn đề về nội dung chưa bao giờ được các webmaster quan tâm như vậy. Trước đây để gửi một bài đăng khách (guest post) cho các blog khác, yêu cầu của họ là bài viết phải có ít nhất 200 từ nhưng từ khi Google Panda ra mắt, chỉ tiêu này đã nâng nên 500 thậm chí 700 từ. Do đó việc đầu tư cho nội dung là việc các bạn không thể không làm. Tuy nhiên, nội dung tốt mà bạn không biết cách SEO cũng khó đạt kết quả cao.
Nội dung chứa từ khóa trong khoảng 50 – 100 từ đầu tiên của bài, tốt nhất là bắt đầu bằng từ khóa mà các bạn muốn SEO (thường thì khó làm được điều này nhưng tôi khuyên các bạn nên làm điều này).
SEO nội dung phải có các thẻ h2, h3 chứa từ khóa – Các bot của công cụ tìm kiếm rất chú trọng đến các thẻ h2 và h3 này và hầu như dựa vào các thẻ này để xác định nội dung chủ đạo của một trang web hay một entry. Do đó, bạn có thể dùng mẹo này để cải thiện thứ hạng từ khóa cho mình.
Bạn nên chèn thẻ in đậm, nghiêng cho từ khóa của mình vì các bot sẽ hiểu rằng bạn đang nhấn mạnh nội dung này do đó sẽ dễ bề lên top cho từ khóa của mình hơn.
– Thẻ alt trong hình ảnh các bạn chèn vào entry nên chứa từ khóa.
– Liên kết nội, ngoại các bạn cũng nên bao hàm trong từ khóa.
B4. Description Meta Tag Chứa Từ Khóa.
Kể từ khi Google không còn quan tâm đến thẻ meta keyword để xếp hạng tìm kiếm nữa thì thẻ Meta Description trở thành đặc biệt quan trọng và các SEOers khôn ngoan sẽ biết rõ việc mình cần phải làm là gì:
– Description meta tag chứa keyword và bắt đầu bằng keyword thì càng tốt.
– Description meta tag dài không quá 160 ký tự.
Những yếu tố tiêu chuẩn trong SEO Onpage trong mọi thời điểm
Dưới đây là 11 yếu tố tiêu chuẩn trong SEO Onpage trong mọi thời điểm, những yếu tố này không chỉ phù hợp cho năm 2014, kể cả sau này google cập nhật bất kỳ thuật toán gì thì đây cũng là những điểm bạn cần ưu tiên hàng đầu.
#Tốc độ tải trang: yếu tố quan trọng để giảm Tỷ lệ Bounce Rate.
Mặc dù có những tuyên bố rằng tốc độ của trang web không ảnh hưởng nhiều cho yếu tố thứ hạng trong các bảng xếp hạng công cụ tìm kiếm, nhưng nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tính kiên nhẫn của người dùng và đó là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ Bounce rate.
Hãy nhớ rằng nếu các trang web của bạn có tốc độ tải rất chậm so với những trang khác thì người truy cập sẽ không ngại ngần mà thoát trang của bạn mà tìm đến các trang khác, điều này sẽ làm tăng tỷ lệ Bounce rate. Google cho biết, họ rất đề cao yếu tố thời gian onsite của một website. Vì vậy, tỷ lệ Bounce rate của bạn nên được hạ thấp xuống, bạn hãy cố gắng thiết kế các trang web có tốc độ tải nhanh hơn.
#Thẻ URL: Lựa chọn thẻ
Lựa chọn và tối ưu hóa URL cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Google đánh giá thứ hạng của website, cách tốt nhất là bạn hãy tối ưu thẻ sao cho người dùng có thể đọc được nó. Một URL được tối ưu tốtcó thể thu hút traffic tốt hơn rất nhiều so với những URL không có ý nghĩa.
Ngoài ra nếu bạn di chuột qua một liên kết trên trang web bất kỳ, bạn có thể thấy địa chỉ ở dưới cùng của trình duyệt. Nhưng nếu các URL có thể đọc được người truy cập sẽ hiểu được chủ đề trong liên kết đó và do đó liên kết đó có nhiều cơ hội nhận được click và tăng lưu lượng truy cập.
Vì vậy, hãy chắc chắn rằng CMS của bạn có một tính năng để tạo ra địa chỉ tương tự như tiêu đề cho bài viết đó, nếu CMS của bạn không có tính năng này thì tốt nhất là bạn nên đổi CMS khác để bạn có thể tạo URL như ý bạn mong muốn.
#Nhồi nhét từ khóa: Điều phải tránh
Nói về vấn đề nhồi nhét từ khoá đến nay nó như một bài học vỡ lòng của các SEOer, tất cả chúng ta đều biết rất rõ một điều là nhồi nhét từ khóa thì sẽ bị phạt. Tuy nhiên đến nay thì Google cũng đã rất thông minh để có thể loại bỏ một số trường hợp mà từ khóa nó lặp đi lặp lại nhiều lần mà nó không phạt. Ví dụ như những Website về bán hàng… các từ khóa của nó có thể là theo các tên sản phẩm hay loại, cỡ… những site này được Google hiểu và cho vào một nhóm chung. Vì vậy, nhóm này sẽ không bị ảnh hưởng trong quá trình làm SEO của bạn.
Nếu trang web của bạn là trang web cũ và có uy tín hơn thì cũng có thể được Google châm trước còn với những site có tuổi đời khoảng từ dưới 2 năm thì hãy coi chừng với vấn đề này.
#Cấu trúc dữ liệu: Xây dựng kế hoạch trước khi thực hiện
Bạn phải hiểu một điều rằng các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo và Bing luôn hiển thị các kết quả tìm kiếm trong các định dạng dữ liệu mà họ muốn, để cho khách hàng của họ được cung cấp những thông tin tốt nhất về một chủ đề mà họ tìm kiếm.
Cách sử dụng cấu trúc dữ liệu vào trang web của bạn sẽ cung cấp thông tin cho các công cụ tìm kiếm và các khách hàng sẽ có được những thông tin cần thiết từ các công cụ tìm kiếm. Có những khả năng mà người truy cập có thể không đến với trang web của bạn, do cấu trúc dữ liệu trong website của bạn không đủ điều kiện để người truy cập không nhận ra do kết quả tìm kiếm không hiển thị. Vì vậy, bạn cần phải suy nghĩ, tính toán và đưa ra kế hoạch trước khi bạn thực hiện.
#Thẻ Mô Tả: Nên tập trung để tăng tỷ lệ nhấp chuột
Cho đến nay dường như không có qúa nhiều sự thay đổi trong việc tối ưu hóa các thẻ meta mô tả. Trong quá trình tối ưu thẻ mô tả bạn phải tránh trường hợp trùng lặp trong mô tả, bạn hãy đảm bảo rằng mỗi trang trên trang website của bạn là có những mô tả khác nhau. Việc nhồi nhét từ khóa trong thẻ mô tả có thể sẽ bị Google cảnh báo. Đối với thẻ mô tả thì việc tốt nhất bạn nên làm là hãy tập trung vào việc tối ưu sao cho phù hợp với truy vấn người dùng để có thể tăng tỷ lệ click.
Ngoài ra trong thẻ mô tả với 150 ký tự đó để thu hút được tỷ lệ click cao, bạn không nên cắt xén nội dung thẻ miêu tả khi nó được lấy từ nội dung bài viết của bạn
#Thẻ tiêu đề và tiêu đề bài viết: Tạo ý nghĩa và thu hút sự chú ý
Các quy tắc để viết SEO trong việc tối ưu hóa thẻ tiêu đề và tiêu đề bài viết hiện tại vẫn không có sự thay đổi, nhưng có thể sẽ có sự thay đổi trong thuật toán của Google về thẻ tiêu đề. Bạn vẫn tiếp tục với việc tối ưu hóa thẻ tiêu đề cho từ khóa hoặc nhiều từ khoá?
Bạn phải chọn từ khóa phù hợp mà bạn muốn sử dụng cho thẻ tiêu đề và tiêu đề bài viết, xem xét để lựa chọn từ ngữ cho thẻ tiêu đề và tiêu đề bài viết và việc tối ưu hóa cho nó để tạo ra một thẻ tiêu đề có ý nghĩa, thu hút sự chú ý là một trong những yếu tố then chốt cho cuộc chiến cạnh tranh khách hàng dựa trên mức độ tìm kiếm…
#Quảng cáo: Quá nhiều quảng cáo có thể bị phạt
Bao nhiêu quảng cáo và bạn đặt quảng cáo tại nơi nào trong Website của bạn? Quảng cáo trên trang web của bạn không phải là vấn đề, nhưng nếu có quá nhiều quảng cáo hoặc vị trí quảng cáo không phù hợp có thể bịGoogle xử phạt đấy. Bạn phải thận trọng về việc đặt quảng cáo liên kết văn bản, nó phải phù hợp với nội dung. Đặc biệt là bạn phải tránh việc tự động chèn textlink quảng cáo.
#Bounce Rate: Khách hàng tiềm năng trên trang web của bạn
Nếu như Website của bạn đang có nội dung hay, có ý nghĩa và bạn muốn cho khách hàng ở lại Website của bạn lâu hơn, hãy tạo ra thêm nội dung mới mẻ có giá trị cho người truy cập. Đây là cách để bạn tăng thời gian tham gia của khách hàng trên trang web của bạn, điều này có thể giảm tỷ lệ Bounce Rate và đó cũng là một trong những yếu tố khá quan trọng để bộ máy tìm kiếm đánh giá thứ hạng của một Website.
Tăng thời gian Onsite không chỉ có nội dung văn bản tốt mà còn có thể được tối ưu bởi thiết kế Website, cách bố trí tốt của trang, phông chữ và bố trí khoảng cách giữa các dòng, chuyển hướng tốt và cách bố trí các liên kết điều hướng… Tất cả những yếu tố đó có thể ảnh hưởng rất nhiều về thời gian Onsite của người dùng.
#Thu hút Traffic: Chỉ với nội dung mới, độc đáo
Một trong những vấn đề trọng tâm của tiếp thị trực tuyến đó là làm thế nào để tăng lưu lượng Traffic cho nội dung của bạn? Để thực hiện việc này thì bạn chỉ có cách là bạn hãy tập trung vào việc tạo ra nội dung mới, độc đáo, đó là việc hãy tư duy và viết về các chủ đề mới, điều mà những người khác chưa đề cập đến. Việc này sẽ là cơ sở giúp tăng đối tượng khách hàng của bạn.
Hãy tham gia các trang mạng xã hội như Google+, Facebook, twitter hoặc phương tiện truyền thông xã hộikhác. Viết một nội dung mới không chỉ giúp tăng lượng độc giả nhưng nó cũng giúp tăng tần số thu thập dữ liệu và chiều sâu của trang web của bạn. Bạn phải nghĩ rằng nội dung trên trang web của bạn là để tạo ra nhận thức và sự tin tưởng cho khách hàng, điều này cũng giúp bạn có thêm nhiều ý tưởng hơn nữa để viết nội dung cho website của mình.
#Chất lượng: Viết nội dung dài hơn và những điều có ý nghĩa
Có một thời gian khi mà một bài viết được giới hạn tối thiểu ở mức 250 từ, làm một trong những tiêu trí để đứng trong bảng xếp hạng công cụ tìm kiếm. Nhưng sau khi cập nhật Panda, thì những bài viết ngắn đã là lỗi thời. Nhiều trang web đã bị đánh tụt vị trí xếp hạng vì bài viết ngắn, đặc biệt là trang web của các công ty, các bài viết đó hầu như không dài. Bạn không nên tiếp tục xuất bản những bài viết ngắn trong trang web của bạn, với một vài bài trong số các trang như vậy sẽ không thành vấn đề nhưng nếu số lượng bài viết ngắn lớn thìwebsite của bạn sẽ là một trong những miếng mồi ngon của Panda.
Có rất nhiều trang web mà tôi đã thấy được sự thành công với những bài viết có độ dài khoảng 1.500 từ trở lên, vì vậy nếu bạn là một người viết bài ngắn hơn như thế, thì bạn có thể kết hợp chúng lại để biến nó thành một bài viết dài, nhưng vấn đề ở đây của bạn là nên tối ưu nó để được một bài viết có ý nghĩa, khi đó bạn không còn phải bận tâm về số lượng từ trong bài viết nữa. Nội dung của bạn phải được viết tốt, đúng ngữ pháp và rất nhiều ý nghĩa. Tôi xin được chia sẻ cách của tôi là để tạo ra được một bài viết dài là tôi tạo ra các danh sách sau đó kết hợp các tính năng, lợi ích các điểm chung của chúng lại.
#Từ khóa: Tập trung vào chủ đề của nội dung bài viết
Với bản cập nhật gần đây Hummingbird không chỉ là một bản cập nhật mà nó là sự thay đổi hoàn toàn của các thuật toán tìm kiếm. Tập trung tất cả vào từ khóa, từ khóa trong tiêu đề, từ khóa trong các thẻ meta, URL, mật độ từ khóa, vv… tất cả điều này vẫn còn cần thiết nhưng vấn đề ở đây là chủ đề, nội dung của bạn viết về chủ đề gì? bài viết của bạn nên bao gồm nhiều từ khóa có liên quan đến chủ đề.
Trong những năm qua Google đã nghiên cứu xu hướng tìm kiếm và đã có những nỗ lực rất lớn trong việc cải thiện nhận dạng từ đồng nghĩa và khái niệm nhóm. Điều này có nghĩa bài viết của bạn nên có nhiều từ khóa cótừ đồng nghĩa với từ khóa chính và tất cả các từ khóa có liên quan đến chủ đề, bạn cũng nên kết hợp cả hai. Điều này sẽ cung cấp cho bộ máy tìm kiếm rằng bài viết của bạn rất là liên quan đến các từ khóa chính.
Tác giả: Themi Nguyễn